Hotline 24/7: 0946883350

Email: ttcd.group@gmail.com

logo

Khái niệm và đặc điểm tài chính công

5/5 (3 đánh giá) 0 bình luận

 Tài chính công là là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành. Các đặc điểm tài chính công là gì? Ở bài viết sau đây, Tri Thức Cộng Đồng xin chia sẻ đến bạn những khái niệm và đặc điểm tài chính công một cách chi tiết nhất.

1. Khái niệm tài chính công

Tài chính công một bộ phận hữu cơ của nền tài chính quốc gia. Nó ra đời, tồn tại và phát triển gần với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước và sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, tiền tệ. Nhà nước xuất hiện đòi hỏi phải có nguồn lực vật chất nhất định để nuôi sống bộ máy Nhà nước và thực hiện các chức năng kinh tế, xã hội do cộng đồng giao phó.

Theo Wikipedia định nghĩa thì: “Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu chi bằng tiền do nhà nước tiến hành, nó phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ công, nhằm phục vụ việc thực hiện các chức năng của nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội.”

Trong nền kinh tế hàng hóa tiền tệ, các nguồn lực vật chất đó, không những đã được tiền tệ hoá mà còn ngày càng trở nên dồi dào. Chính trong những điều kiện như vậy, tài chính Nhà nước mới ra đời, tồn tại và phát triển.

Ngày nay, tài chính công không chỉ là công cụ động viên, khai thác mọi nguồn lực tài chính của xã hội tạo nên sức mạnh tài chính của Nhà nước mà còn là công cụ quản lý, điều chỉnh mọi hoạt động kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, sự tồn tại, phát triển tài chính công là một đòi hỏi khách quan và hết sức cần thiết.

Khái niệm và đặc điểm tài chính công

Khái niệm và đặc điểm tài chính công

1.1 Quỹ tiền tệ là gì

Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả phạm trù tài chính công trong thực tiễn, đòi hỏi trước hết phải nhận thức một cách đầy đủ, chính xác phạm trù đó. Trong thực tiễn đời sống xã hội, hoạt động tài chính thể hiện ra nh các hiện tượng thu, chi bằng tiền – sự vận động của các nguồn tài chính – gắn liền với việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định. Trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, gắn liền với sự hoạt động của các chủ thể trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau có các quỹ tiền tệ khác nhau được hình thành và được sử dụng. Có thể kể như:

Quỹ tiền tệ của các hộ gia đình; quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp; quỹ tiền tệ của các tổ chức bảo hiểm , tín dụng; quỹ tiền tệ của Nhà nước … Quỹ tiền tệ của Nhà nước là một bộ phận của hệ thống của các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế và có mối quan hệ hữu cơ với quỹ tiền tệ khác đi liền với mối quan hệ ràng buộc phụ thuộc giữa các chủ thể kinh tế – xã hội trong khi tham gia phân phối các nguồn tài chính. Gắn với chủ thể là Nhà nước, các quỹ tiền tệ của Nhà nước được tạo lập và sử dụng gắn liền với quyền lực chính trị của Nhà nước và việc thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội của Nhà nước.

Nói một cách khác, các quỹ tiền tệ của Nhà nước là tổng số các nguồn lực tài chính đã được tập trung vào trong tay Nhà nước, thuộc quyền nắm giữ của Nhà nước và được Nhà nước sử dụng cho việc thực hiện các sứ mệnh xã hội của mình. Trên quan niệm đó, quỹ tiền tệ của Nhà nước, có thể được xem như sự tổng hợp của các quỹ tiền tệ chung của Nhà nước và quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Các quỹ tiền tệ chung của Nhà nước lại bao gồm: Quỹ Ngân sách Nhà nước và các quỹ ngoài NSNN.

Quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước kể trên chính là quá trình Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính thông qua các hoạt động thu, chi bằng tiền của tài chính Nhà nước. Các hoạt động thu, chi bằng tiền đó là mặt biểu hiện bên ngoài của tài chính công, còn các quỹ tiền tệ Nhà nước nắm giữ là biểu hiện nội dung vật chất của tài chính công. Tuy vậy, cần nhận rõ rằng, quá trình diễn ra các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành trên cơ sở các luật lệ do Nhà nước quy định đã làm nảy sinh các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội. Đó chính là các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình Nhà nước tham gia phân phối và sử dụng các nguồn tài chính để tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước. Các quan hệ kinh tế đó chính là mặt bản chất bên trong của tài chính công, biểu hiện nội dung kinh tế – xã hội của tài chính công.

1.2 Các mặt tiếp cận Tài chính công

Để có được khái niệm về Tài chính công, người ta có thể vận dụng cách tiếp cận nó trên một số giác độ sau:

– Về mặt sở hữu: Các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ trong Tài chính công thuộc sở hữu công cộng, sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện, thường gọi là sở hữu nhà nước.

– Về mục đích sử dụng: Các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ trong Tài chính công được sử dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội, của toàn quốc, của cả cộng đồng, vì các mục tiêu kinh tế vĩ mô, không vì mục tiêu lợi nhuận.

– Về mặt chủ thể: Các hoạt động thu, chi bằng tiền trong Tài chính công do các chủ thể công tiến hành. Các chủ thể công ở đây là Nhà nước hoặc các cơ quan, tổ chức của Nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thu, chi đó (gọi chung là Nhà nước).

– Về mặt pháp luật: Các quan hệ Tài chính công chịu sự điều chỉnh bởi các “luật công”, dựa trên các quy phạm pháp luật mệnh lệnh – quyền uy. Các quan hệ Tài chính công là các quan hệ kinh tế nảy sinh gắn liền với việc tạo lập và sử dụng các quỹ công mà một bên của quan hệ là các chủ thể công.

Trong thực tiễn đời sống xã hội, hoạt động tài chính thể hiện ra nh là các hiện tượng thu, chi bằng tiền – sự vận động của các nguồn tài chính – gắn liền với việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định. Trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, gắn liền với sự hoạt động của các chủ thể trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau có các quỹ tiền tệ khác nhau được hình thành và được sử dụng. Với chủ thể là Nhà nước, các quỹ công được tạo lập và sử dụng gắn liền với quyền lực kinh tế, chính trị và việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý kinh tế, xã hội, quốc phòng- an ninh của Nhà nước trong từng thời gian cụ thể.

Các hoạt động thu, chi bằng tiền đó là mặt biểu hiện bên ngoài của Tài chính công, còn các quỹ công là  biểu hiện nội dung vật chất của Tài chính công. Quá trình diễn ra các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành trên cơ sở các luật lệ do Nhà nước quy định đã làm nảy sinh các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội. Đó chính là các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình Nhà nước tham gia phân phối và sử dụng các nguồn tài chính để tạo lập hoặc sử dụng các quỹ công. Các quan hệ kinh tế đó chính là bản chất của Tài chính công, biểu hiện nội dung kinh tế – xã hội của Tài chính công.

Từ những phân tích trên đây có thể rút ra khái niệm về Tài chính công như sau:

Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành. Nó phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ công nhằm đáp ứng cho các nhu cầu gắn liền với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước về quản lý kinh tế, xã hội, quốc phòng- an ninh trong từng giai đoạn cụ thể. 

Tài chính công phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội nảy sinh trong quá trình Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính.

Quan niệm tài chính công ở trên cho phép nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện về tài chính công, quan niệm đó vừa chỉ ra mặt cụ thể, hình thức bên ngoài – nội dung vật chất của tài chính công là các quỹ tiền tệ của Nhà nước; vừa vạch rõ mặt trừu tượng, mặt bản chất bên trong – nội dung kinh tế – xã hội của tài chính công là các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình nhà nước phân phối nguồn tài chính để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước.

Hiện tại, Tri Thức Cộng Đồng đang cung cấp THUÊ VIẾT LUẬN VĂN Hà Nội, HCM,… và viết luận văn, luận án, khóa luận hỗ trợ cho bạn với mọi chuyên ngành học chuyên nghiệp nhất thị trường. Nếu bạn không có thời gian hoàn thành bài luận, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi nhé!

2. Đặc điểm tài chính công

Luôn luôn gắn liền với việc thực hiện các chức năng nhiều mặt của Nhà nước, hoạt động của tài chính công cũng rất đa dạng, liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội và tác động đến mọi chủ thể trong xã hội. Chính nét đặc thù đó là nhân tố có ảnh hưởng quyết định tới các đặc điểm của tài chính công. Có thể khái quát đặc điểm của tài chính công trên các khía cạnh sau đây:

2.1. Đặc điểm về tính chủ thể của tài chính công

Tài chính công thuộc sở hữu Nhà nước, do đó, Nhà nước là chủ thể duy nhất quyết định việc sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước. 

Việc sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước, đặc biệt là Ngân sách Nhà nước, luôn luôn gắn liền với bộ máy Nhà nước nhằm duy trì sự tồn tại và phát huy hiệu lực của bộ máy nhà nước, cũng như thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà nhà nước đảm nhận. 

Các nhiệm vụ kinh tế – chính trị – xã hội của một quốc gia trong từng thời kỳ phát triển được quyết định bởi Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, do đó, Quốc hội cũng là chủ thể duy nhất quyết định cơ cấu, nội dung, mức độ các thu, chi Ngân sách Nhà nước – quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước – tương ứng với các nhiệm vụ đã được hoạch định nhằm đảm bảo thực hiện có kết quả nhất các nhiệm vụ đó. 

Nhận thức đầy đủ đặc điểm về tính chủ thể của tài chính công có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Nhà nước, loại trừ sự chia sẻ, phân tán quyền lực trong việc điều hành Ngân sách Nhà nước. Nhận thức kể trên cũng cho phép xác định quan điểm định hướng trong việc sử dụng tài chính làm công cụ điều chỉnh và xử lý các quan hệ kinh tế – xã hội, rằng, trong hệ thống các quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích nảy sinh khi Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính thì lợi ích quốc gia, lợi ích toàn thể bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và chi phối các mặt lợi ích khác.

2.2. Đặc điểm về nguồn hình thành thu nhập của tài chính công 

Xét về nội dung vật chất, tài chính công bao gồm các quỹ tiền tệ thuộc quyền nắm giữ và sử dụng của Nhà nước. Các quỹ tiền tệ đó là một lượng nhất định các nguồn tài chính của toàn xã hội đã được tập trung vào tay Nhà nước, hình thành thu nhập của tài chính công, trong đó NSNN là quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước. Việc hình thành thu nhập của tài chính công mà đại diện tiêu biểu là NSNN có các đặc điểm chủ yếu là:

Thứ nhất, Thu nhập của tài chính công có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong nước và ngoài nước; từ nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, cả sản xuất, lưu thông và phân phối, những nét đặc trưng là luôn gắn chặt với kết quả của hoạt động kinh tế trong nước và sự vận động của các phạm trù giá trị khác như: giá cả, thu nhập, lãi suất… Kết quả của các hoạt động kinh tế trong nước được đánh giá bằng các chỉ tiêu chủ yếu nh: mức tăng trưởng GDP, tỷ suất doanh lợi của nền kinh tế… Đó là các nhân tố khách quan quyết định mức động viên của tài chính công. 

Sự vận động của các phạm trù giá trị khác vừa có tác động đến sự tăng giảm mức động viên của tài chính công, vừa đặt ra yêu cầu sử dụng hợp lý các công cụ thu tài chính công để điều tiết các hoạt động kinh tế xã hội cho phù hợp với sự biến động của các phạm trù giá trị.

Nhận thức đầy đủ đặc điểm trên có ý nghĩa quan trọng, rằng trong tổng thu nhập của tài chính công phải coi nguồn thu trong nước là chủ yếu, trong đó, chủ yếu là nguồn của cải mới được sáng tạo ra trong các ngành sản xuất. Khái niệm sản xuất ngày nay được hiểu bao gồm không chỉ các hoạt động sản xuất, mà cả các hoạt động dịch vụ. Từ đó, của cải mới được sáng tạo trong các ngành sản xuất không chỉ do các hoạt động sản xuất vật chất, mà còn do các hoạt động dịch vụ tạo ra. ở các quốc gia phát triển và các xã hội văn minh, các hoạt động dịch vụ phát triển rất mạnh và nguồn của cải xã hội được tạo ra ở đây cũng có xu hướng ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Đối với Việt Nam, xu hướng đó cũng là tất yếu. 

Như vậy, cùng với các hoạt động sản xuất vật chất, các hoạt động dịch vụ là nơi tạo ra nguồn tài chính chủ yếu của quốc gia, nguồn thu chủ yếu của tài chính công. Do đó, để tăng thu tài chính công, con đường chủ yếu phải là tìm cách mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả của nền sản xuất xã hội. 

Thứ hai, Thu nhập của tài chính công có thể được lấy về bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, có bắt buộc và tự nguyện, có hoàn trả và không hoàn trả, ngang giá và không ngang giá, nét đặc trưng là luôn gắn liền với quyền lực chính trị của Nhà nước thể hiện tính cưỡng chế bằng hệ thống luật lệ do Nhà nước quy định và mang tính không hoàn trả là chủ yếu.

Ý nghĩa thực tiễn của việc nhận thức đầy đủ đặc điểm này là ở chỗ, để việc sử dụng các hình thức và phương pháp động viên của tài chính công hợp lý đòi hỏi phải xem xét đến tính chất, đặc điểm của các hoạt động kinh tế – xã hội và yêu cầu phát huy vai trò đòn bẩy của các công cụ tài chính trong phân phối và phân phối lại các nguồn tài chính phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng thời kỳ phát triển xã hội.

2.3. Đặc điểm về tính hiệu quả của chi tiêu tài chính công

Chi tiêu tài chính công là việc phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ (vốn) của Nhà nước. Các quỹ tiền tệ của Nhà nước được đề cập ở đây bao gồm quỹ NSNN và các quỹ tài chính công ngoài NSNN, không bao gồm vốn và các quỹ của DNNN.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị kinh tế cơ sở, hiệu quả của việc sử dụng vốn thường được đánh giá bằng các chỉ tiêu định lượng nh: Tổng số lợi nhuận thu được trong kỳ, số vòng quay của vốn lưu động trong kỳ, hệ số doanh lợi (lợi nhuận/vốn, lợi nhuận/giá thành, lợi nhuận/chi phí).

Khác với hoạt động sản xuất kinh doanh ở cơ sở, tầm vi mô, việc dựa vào các chỉ tiêu định lượng để đánh giá hiệu quả các khoản chi của tài chính công sẽ gặp phải khó khăn và sẽ không cho phép có cái nhìn toàn diện. Bởi vì, chi tiêu của tài chính công không phải là những chi tiêu gắn liền trực tiếp với các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị cơ sở, mà là những chi tiêu gắn liền với việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, tức là gắn liền với việc đáp ứng các nhu cầu chung, nhu cầu có tính chất toàn xã hội – tầm vĩ mô. Mặc dù hiệu quả của các khoản chi tiêu của tài chính công trên những khía cạnh cụ thể vẫn có thể đánh giá bằng các chỉ tiêu định lượng như vay nợ, một số vấn đề xã hội… nhưng xét về tổng thể, hiệu quả đó thường được xem xét trên tầm vĩ mô. Điều đó có nghĩa là, hiệu quả của việc sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước phải được xem xét dựa trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu kinh tế -xã hội đã đặt ra mà các khoản chi của tài chính công phải đảm nhận.

Thông thường việc đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính công dựa vào hai tiêu thức cơ bản: kết quả đạt được và chi phí bỏ ra. Kết quả ở đây được hiểu bao gồm: kết quả kinh tế và kết quả xã hội, kết quả trực tiếp và kết quả gián tiếp.

Nhận thức đúng đắn đặc điểm kể trên có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng và có biện pháp sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước tập trung vào việc xử lý các vấn đề của kinh tế vĩ mô nh: đầu tư để tác động đến việc hình thành cơ cấu kinh tế mới; cấp phát kinh phí cho việc thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; hỗ trợ giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo; góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, giá cả; đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ các tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường thiên nhiên… với yêu cầu là chi phí bỏ ra là thấp nhất mà kết quả đem lại là cao nhất.

2.4. Đặc điểm về phạm vi hoạt động của Tài chính công

Gắn liền với bộ máy Nhà nước, phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của Nhà nước và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế, phạm vi ảnh hưởng của tài chính công rất rộng rãi, Tài chính công có thể tác động tới các hoạt động khác nhau nhất của mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Thông qua quá trình phân phối các nguồn tài chính, tài chính công có khả năng động viên, tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia vào tay Nhà nước từ mọi lĩnh vực hoạt động, từ mọi chủ thể kinh tế xã hội; đồng thời, bằng việc sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước, tài chính công có khả năng tác động tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội, đạt tới những mục tiêu đã định.

Nhận thức đầy đủ đặc điểm kể trên có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng tài chính công thông qua thuế và chi tài chính công, để góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội được đặt ra trong từng thời kỳ khác nhau của sự phát triển xã hội. Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, trong các vấn đề kinh tế – xã hội được đặt ra và đòi hỏi phải được giải quyết, các vấn đề về xã hội và môi trường là những vấn đề mà khu vực tư nhân và hộ gia đình không có khả năng hoặc chỉ có thể góp được một phần rất nhỏ thì việc sử dụng tài chính công, đặc biệt là chi tài chính công để khắc phục những mặt còn hạn chế, tiêu cực và đạt tới những mặt tiến bộ, tích cực là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu và yêu cầu cần đạt được của sự phát triển xã hội.

Bình luận

0 bình luận

Sắp xếp: Mới nhất

Đăng ký nhận tư vấn
Số điện thoại là bắt buộc ! Số điện thoại không hợp lệ !
Tin tức mới nhất
Kho sáng kiến kinh nghiệm mầm non phong phú & đa dạng
Kho sáng kiến kinh nghiệm mầm non phong phú & đa dạng
Sáng kiến kinh nghiệm âm nhạc mầm non mới nhất 2025
Sáng kiến kinh nghiệm âm nhạc mầm non mới nhất 2025
Top Tiểu Luận Quản Trị Học Mẫu & 30 Đề Tài Tải Miễn Phí
Top Tiểu Luận Quản Trị Học Mẫu & 30 Đề Tài Tải Miễn Phí
Hướng Dẫn Cách Xử Lý Số Liệu Spss 20: 5 Bước & Ví Dụ
Hướng Dẫn Cách Xử Lý Số Liệu Spss 20: 5 Bước & Ví Dụ
Top Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Giáo Dục: 30 Đề Tài & 4 Mẫu Tải
Top Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Giáo Dục: 30 Đề Tài & 4 Mẫu Tải