Khái Niệm Về Quyền Lực, Nguồn Gốc, Đặc Điểm, Phân Loại Quyền Lực
Bài viết đưa khái niệm cơ bản nhất về quyền lực, nguồn gốc của quyền lực, các đặc điểm và phân loại quyền lực theo từng hình thức.
Quyền lực là một thuật ngữ rất quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, thuật ngữ này thực tế có rất nhiều lớp ý nghĩa và có tác động lên mọi mặt lĩnh vực của đời sống.
Theo khía cạnh triết học, quyền lực có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau và có những đặc trưng cơ bản riêng. Vậy, khái niệm quyền lực là gì, nguồn gốc của quyền lực từ đâu và đặc trưng của quyền lực là gì, được phân loại như thế nào? Tri thức cộng đồng sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về quyền lực qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Khái niệm quyền lực
Khái niệm quyền lực
Quyền lực là một trong những vấn đề cơ bản của chính trị, do vậy đã từ rất sớm, khi ý thức được các vấn đề chính trị thì người ta cũng đã đề cập đến vấn đề quyền lực.
– Từ thời cổ đại, ở phương Tây Arixtốt đã nghiên cứu vấn đề quyền lực và xem xét những đặc điểm của nó. Theo ông, quyền lực tồn tại phổ biến trong mọi sự vật và hiện tượng, không chỉ trong thế giới cảm giác mà cả trong thế giới vô cảm. Đối với nhà nước và quyền lực nhà nước, ông coi đó như là kết quả của sự thoả thuận giữa mọi người với nhau dựa trên ý chí chung của họ.
– Còn theo Platon, chính trị là nghệ thuật cai trị những con người với sự bằng lòng của họ. Cơ sở để đảm bảo sự cai trị đó là pháp quan, những nhà thông thái. ở đây ông đề cao trí tuệ và coi đó như một thứ quyền lực trong chính trị.
Tuy đã có nhiều quan niệm về quyền lực nhưng cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thật sự chính xác, xúc tích, khái quát được vấn đề để mọi người chấp nhận. Nhà chính trị học Mỹ K.Đanta cho rằng, nắm quyền lực có nghĩa là buộc người khác phải phục tùng.
– Còn nhà chính trị học Mỹ khác – Lesbi lipson – xem quyền lực là khả năng đạt tới kết quả nhờ hành động phối hợp. Nhà chính trị học A.Gra – zia cho rằng: “Quyền lực là khả năng ấn định những quyết định có ảnh hưởng đến thái độ của con người” .
– Bertrand Russel cho rằng: ta có thể coi quyền lực là sản phẩm của những hiệu quả có chú ý”. Theo Từ điển Bách khoa Triết học thì “Quyền lực là khả năng thực hiện ý chí của mình có tác động đến hành vi, phẩm hạnh của người khác nhờ một phương tiện nào đó như kinh tế, chính trị, nhà nước, gia đình, uy tín, quyền hành, sức mạnh…”.
Gần đây nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffer cho rằng” Bạo lực, của cải, tri thức là ba dạng phổ biến và cũng là ba phương thức cơ bản để đạt được quyền lực. Trong ba loại đó, trí tuệ được coi là loại quyền lực có phẩm chất cao nhất và là phương thức cơ bản để đạt được quyền lực trong tương lai.
– Tuy không đi sâu nghiên cứu vấn đề quyền lực và do đó chưa đưa ra một định nghĩa có tính chất xác định, nhưng từ góc độ duy vật lịch sử, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin đã đề cập đến vấn đề quyền lực từ trong bản chất của nó. Đó là, trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào nắm được quyền kiểm soát tư liệu sản xuất thì giai cấp đó cũng nắm được quyền điều khiển, chi phối các lĩnh vực cơ bản của xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, tư tưởng tinh thần.
Cách tiếp cận này là chìa khoá cho ta nghiên cứu vấn đề quyền lực một cách khoa học và hữu hiệu. Theo giáo sư Lưu Văn Sùng viết trong tập bài giảng chính trị học “Quyền lực là mối quan hệ giữa các chủ thể hành động của đời sống xã hội, trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh, vị thế nào đó trong quan hệ xã hội”.
Xem thêm:
- Giai cấp là gì? Đặc trưng và kết cấu xã hội của giá cấp
- Tiền tệ là gì? Các chức năng của tiền tệ
- Cách Viết Tiểu Luận Triết Học Đạt Điểm Cao, Thuyết Phục Nhất
2. Nguồn gốc của quyền lực
Nguồn gốc của quyền lực
Quyền lực tồn tại ở trong nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau, mang tính cộng đồng và sẽ bị tác động, thay đổi bởi sự phân công lao động trong xã hội. Dựa trên khái niệm quyền lực và trên mỗi khía cạnh khác nhau của quyền lực, ta có thể tìm được nguồn gốc của quyền lực trong từng góc độ như sau:
- Từ góc độ quản lý hóa, cơ khí hóa: Thuật ngữ quyền lực hình thành khi bắt đầu xuất hiện khả năng chi phối, tác động của ý chí người lên các phộ phận hoặc toàn thể máy móc/thiết bị cơ khí thông qua các tiếp xúc vật lý trực tiếp lên bộ phận điều khiển của thiết bị.
- Từ góc độ sự phối hợp lao động của tập thể người: Quyền lực hình thành khi xuất hiện nhu cầu phân chia các nhóm lao động xã hội có tác động qua lại lẫn nhau, tuy nhiên sẽ có một người được phân công vị trí đặc biệt là quản lý và phối hợp hành động của những người khác, có khả năng thao túng nhóm người đó.
- Từ góc độ pháp luật, chính trị: Khi xuất hiện sự phân chia giai cấp xã hội, mỗi nhóm giai cấp lại có những lợi ích riêng khác nhau. Tuy nhiên, có những giai đoạn các nhóm giai cấp này gặp xung đột lợi ích, cần có bên thứ ba đứng ra giải quyết và khi đó, họ quyết định tự nguyện trao quyền lực cho bên thứ ba này.
- Từ góc độ đám đông: Trường hợp này quyền lực sinh ra từ tâm lý người qua quá trình phản ánh thế giới hiện thực, một nhóm người (đám đông) hình thành cùng một cảm giác đối với một cá nhân. Trong trường hợp này, khi sự nắm giữ thông tin không cân xứng thì bên nắm thông tin là bên có quyền lực.
3. Đặc trưng của quyền lực
Đặc trưng của quyền lực
Trong các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, mặc dù tồn tại nhiều loại hình quyền lực nhưng nhìn chung, quyền lực mang một số đặc trưng nhất định.
Vậy cụ thể đặc trưng quyền lực là gì? Dưới đây là 4 đặc trưng cơ bản của quyền lực:
3.1. Tính tương tác xã hội
Điều kiện yêu cầu bắt buộc của quyền lực, đó là có sự tương tác của ít nhất từ 2 chủ thể trở lên. Tức là quyền lực thể hiện một mối quan hệ xã hội với sự tương tác, tác động qua lại của nhiều bên với nhau. Vì vậy, quyền lực sẽ không tồn tại khi chưa xuất hiện hành động tương tác giữa các chủ thể.
3.2. Tính mục đích
Trong mối quan hệ quyền lực, sự tác động của chủ thể có quyền lực lên chủ thể còn lại luôn có chủ ý nhất định. Chủ ý này được gọi là tính mục đích của quyền lực.
Thông qua tính mục đích, ta cũng có thể phân biệt được 2 mối quan hệ có hình thức thể hiện giống nhau là quan hệ quyền lực (một chiều, có mục đích và có hiệu lực) với sự ảnh hưởng nói chung (hai chiều và không có chủ đích, không chắc chắn, không hiệu lực)
3.3. Tính cưỡng ép
Một trong những đặc trưng giúp phân biệt quyền lực với các mối quan hệ xã hội có mục đích khác như thuyết phụ, lừa đảo hay dụ dỗ,... là tính cưỡng ép. Mọi quan hệ quyền lực đều dựa trên năng lực này, có thưởng - phạt đi kèm và đủ lớn để vượt qua sự chống đối.
3.4. Tính chính đáng
Đặc trưng cuối cùng của quan hệ quyền lực cần nhắc đến đó là tính chính đáng. Ở đây, tính chính đáng được biểu hiện ở 2 phương diện: Tính công ích và tính hợp lệ trong cách thức đạt quyền lực cũng như sử dụng quyền lực đúng mục đích và hiệu quả của chủ thể.
Tính chính đáng có tác động rất lớn đến kết quả cuối cùng xem có đạt được mục đích trong quan hệ quyền lực hay không. Tính cưỡng ép có lớn đến đâu, nhưng nếu thiếu tính chính đáng cũng chưa phải là yếu tố quyết định kết quả cuối cùng vì có thể bị chi phối bởi tính chống đối của chủ thể.
4. Phân loại quyền lực
Tùy theo phương diện đánh giá như chủ thể, hình thức, lĩnh vực hay cơ sở quyền lực mà có nhiều cách phân loại quyền lực khác nhau. Vậy phân loại quyền lực là gì và như thế nào?
4.1. Theo chủ thể
Phân loại quyền lực theo chủ thể
- Quyền lực cá nhân (nhà vua, tổng thống, thủ tướng): Là loại quyền lực một cá nhân có được do được người khác trao cho. Trong đó, cá nhân có được quyền lực (sức mạnh) nhờ vào năng lực hoặc chuyên môn của mình, hoặc đôi khi chỉ vì nhận được sự yêu thích của mọi người nhiều hơn người khác.
- Quyền lực tổ chức (đảng chính trị, chính phủ, đoàn thể): Quyền lực tổ chức là khả năng tạo ra ảnh hưởng của tổ chức đối với các thành viên trong tổ chức đó và với một số quyền lực xác định, nó mang tính cưỡng chế và bắt buộc chung.
- Quyền lực cộng đồng (giai cấp, dân tộc, nhân loại): Quyền lực cộng đồng thường được thể hiện thông qua các phong trào trên khắp thế giới khi có một cộng đồng cùng nhau hợp tác để đạt được một mục đích chung như đòi hỏi đạo luật, cải thiện dịch vụ công cộng, cải thiện cuộc sống,..
4.2. Theo hình thức
Phân loại quyền lực theo hình thức
- Quyền lực cưỡng bức: Đây là một hình thức quyền lực cứng mà người lãnh đạo sử dụng các biện pháp như răn đe, trừng phạt nhằm mục đích buộc người dưới quyền mình thực hiện theo chỉ đạo, mệnh lệnh. Các biện pháp trừng phạt cũng có thể được áp dụng rất đa dạng từ nhẹ đến nặng.
- Quyền lực ban thưởng: Là hình thức người lãnh đạo treo một khoản thưởng (có thể là tinh thần hoặc vật chất) nhằm thúc đẩy người khác sẽ thực hiện những điều mà người lãnh đạo muốn. Trong trường hợp này, xác suất cao là người thực hiện sẽ làm vì phần thưởng họ được hứa nhận khi đạt kết quả.
- Quyền lực hợp pháp: Quyền lực này có nguồn gốc từ địa vị pháp lý của nhà lãnh đạo, thuộc những quyền được quy định rõ ràng theo luật pháp. Thường thì đối với những nhà quản lý, quyền lực hợp pháp sẽ đi kèm với vị trí của cá nhân người đó.
- Quyền lực tham chiếu: Quyền lực trong trường hợp này xuất phát từ sự kính trọng mang lại. Khi con người có cảm giác cảm mến, kính trọng với một ai đó, họ sẽ có thể sẵn lòng thực hiện những điều người kia mong muốn.
- Quyền lực chuyên gia: Trong trường hợp này, kiến thức nói chung và kiến thức chuyên gia nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng tạo lập nên quyền lực của một con người. Nhờ trình độ cao của mình, người có quyền lực vô hình có sự ảnh hương lên một cá nhân nào đó.
4.3. Theo lĩnh vực
Phân loại quyền lực theo lĩnh vực
- Quyền lực chính trị (đảng phái, tổ chức nhà nước): Quyền lực chính trị thể hiện ở chỗ một chủ thể có thể áp đặt mục tiêu chính trị của mình đối với toàn xã hội thông qua các quyết định, định đoạt nào đó trên những công việc quan trọng về chính trị.
- Quyền lực kinh tế (tập đoàn kinh tế, dòng vốn đầu tư): Là quyền lực mà một quốc gia, doanh nghiệp hay một cá nhân có được thực hiện các mục tiêu kinh tế của mình cũng như có khả năng tác động, thao túng đến quyết định kinh tế của người khác.
- Quyền lực tư tưởng (nhà trường, nhà thờ, nhà đài): Quyền lực tư tưởng thể hiện ở chỗ một cá nhân, tổ chức có khả năng thao túng, áp đặt và điều hướng tư tưởng, suy nghĩ của một nhóm đối tượng thông qua những thông tin, những luật lệ, tiêu chuẩn mà chủ thể nắm quyền lực đưa ra.
- Quyền lực văn hóa: Quyền lực văn hóa được định nghĩa là sự tác động về mặt văn hóa của một nhóm người/ một cộng đồng lên một khu vực hoặc lên một cộng đồng khác. Quyền lực này ảnh hưởng lên cách sống của người khác bằng cách kiểm soát các chuẩn mực, quy tắc, khiến các cá nhân tuân thủ tự nguyện.
- Quyền lực gia đình : Loại quyền lực này có thể được hiểu là khả năng của một cá nhân trong việc thay đổi các hành vì của các thành viên khác trong gia đình, thường được sử dụng khi một thanh viên trong gia đình muốn những người khác làm điều gì đó mà họ muốn.
4.4. Theo cơ sở của quyền lực
Phân loại theo cơ sở của quyền lực
- Sức mạnh (Force): Là quyền lực mà người nắm quyền tác động một đối tượng, điều hướng đối tượng đó thực hiện hành vi của mình thông qua những điều kiện, quyền hạn mà mình có (thường được sử dụng theo ba cách: Sức mạnh lợi ích, sự cưỡng bức hoặc sự thuyết phục).
- Vị thế thống trị (Dominance): Được thể hiện qua việc chủ thể quyền lực thể hiện những vai trò, chức năng của mình đã được xã hội hoặc cộng đồng đó thừa nhận.
- Thẩm quyền (Authority): Được thể hiện thông qua việc chủ thể quyền lực có thể đưa ra các chỉ thị, thậm chí là mệnh lệnh cho người khác mà người đó buộc phải chấp hành theo.
- Sự lôi cuốn, thuyết phục (Attraction): Đây là một loại quyền lực mà chủ thể quyền lực có thể tác động trên người khác nhờ vào những phẩm chất cá nhân của họ.
Tham khảo thêm: 75+ đề tài tiểu luận triết học tham khảo hay nhất
5. Phương pháp để giành được quyền lực
Phương pháp để giành được quyền lực
Vậy, đối với một chủ thể quyền lực, phương pháp giành được quyền lực là gì?
Trên thực tế, đây chính là biểu hiện bên ngoài của các đặc trưng của quyền lực. Dựa vào các đặc trưng đó, chủ thể quyền lực có thể thực hành, áp dụng các biện pháp khác nhau để đạt được mục đích mong muốn của bản thân.
Vậy hãy cùng tìm hiểu xem các phương pháp giành quyền lực là gì và được thực hiện như thế nào:
- Dùng sức mạnh bạo lực bắt buộc phải phục tùng: Là hình thức người nắm quyền lực dùng quyền lực cưỡng chế, ví dụ như sa thải, kỷ luật hoặc chỉ trích,... để ép buộc cấp dưới làm theo mệnh lệnh của mình. Quyền lực này rất dễ bị lạm dụng và có thể gây ra những hành vi tiêu cực mang tính phản kháng, chống đối.
- Dùng lợi ích để dụ dỗ: Trong trường hợp này, người lãnh đạo thường đưa ra một lợi ích có thể là mang tính tinh thần hoặc vật chất để thúc đẩy người chịu tác động làm những gì người lãnh đạo muốn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể dẫn đến tình trạng người thực hiện chỉ vì mục đích lợi ích chứ không tự nguyện.
- Thuyết phục: Quyền lực này tạo nên sự tác động lên người khác thông qua sức hút và lòng yêu mến của họ đối với chủ thể quyền lực. Đây là quyền lực thường thấy ở những người nổi tiếng khi họ có khả năng ảnh hưởng đến các fan của mình.
- Thẩm quyền chính thức: Đây là phương pháp thường được biết đến nhiều nhất, đó là sử dụng thẩm quyền của vị trí được giao phó để thi hành quyền lực. Tuy nhiên, quyền lực này cũng có tính hạn chế khi nó chỉ có thể thực hiện trong phạm vi ranh giới của quốc gia hay tổ chức đó.
- Chuyên môn: Khi một người có kiến thức, kỹ năng, có thể hiểu tình hình sâu sắc và đề xuất các giải pháp xử lý thích hợp sẽ nhận được sự lắng nghe, tôn trọng từ những người khác. Đây là một hình thức giành quyền lực đặc biệt khi không đòi hỏi sức mạnh vị trí mà vẫn có thể có được quyền lực vững vàng.
Trên đây là những thông tin căn bản quan trọng cần biết khi bạn tiếp cận với thuật ngữ quyền lực để có thể hiểu được quyền lực là gì và có bản chất như thế nào. Hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn và giúp bạn có được những thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động học tập, công việc của mình!
3 bình luận
Sắp xếp: Mới nhất
29/04/2020
So sánh các hình thức quyền lực chính trị hiện nay! Ad và mn giúp mình với ạ!
29/04/2020
So sánh các hình thức quyền lực chính trị hiện nay! Ad và mn giúp mình với ạ!
23/10/2019
Em đang làm luận văn về đề tài ” Các hình thức tổ chức quyền lực chính trị ở nước tư sản” . Cho e xin ít tài liệu hoặc luận văn mẫu để tham khảo với ạ
23/10/2019
Em đang làm luận văn về đề tài ” Các hình thức tổ chức quyền lực chính trị ở nước tư sản” . Cho e xin ít tài liệu hoặc luận văn mẫu để tham khảo với ạ
10/09/2019
Bạn có chuyên đề về Các hình thức quyền lực chính trị không bạn. giúp mình với. cảm ơn nhiều.
10/09/2019
Bạn có chuyên đề về Các hình thức quyền lực chính trị không bạn. giúp mình với. cảm ơn nhiều.