Cấu Trúc Bài Essay Và Cách Viết Essay Chi Tiết Từng Phần
Nếu bạn là du học sinh, sinh viên hay học sinh đang theo học tại các trường quốc tế, chắc hẳn bạn đã không ít lần đau đầu với cụm từ “ESSAY”. Bạn đang chưa biết cấu trúc bài essay gồm những phần nào? Có cách nào viết một bài essay hiệu quả nhất? Những thông tin được chia sẻ sau đây chính xác dành cho bạn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cấu trúc bài essay và cách viết essay với 7 quy tắc vàng hiệu quả nhé!
Mục lục
- 1. Cấu trúc bài essay
- 2. Cách viết mở bài essay và kiểm tra lỗi
- 3. Cách viết thân bài essay và kiểm tra lỗi
- 4. Cách viết kết bài essay và kiểm tra lỗi
- 5. Tổng hợp 7 Quy tắc vàng triển khai viết bài essay hiệu quả
- 5.1. Xây dựng đề cương
- 5.2. Xây dựng câu luận điểm essay chính (Thesis Statement)
- 5.3. Thu thập dữ liệu, ghi chú lập luận, bằng chứng cụ thể
- 5.4 Sắp xếp dữ liệu và ý tưởng, xem xét lại các luận điểm essay
- 5.5 Viết đoạn thân bài (body paragraphs)
- 5.6. Viết phần giới thiệu và kết luận (introduction và conclusion)
- 5.7. Đọc lại và chỉnh sửa bài essay
1. Cấu trúc bài essay
Cấu Trúc Bài Essay Và cách viết essay Chi Tiết Từng Phần
Cấu trúc bài essay điển hình gồm có những nội dung sau đây:
- Phần mở bài (Introduction Paragraph): Đưa ra chủ đề cho bài luận và nêu lý do tại sao người đọc nên quan tâm đến chủ đề của bạn
- Phần thân bài (Body Paragraph): Triển khai phân tích và đưa ra những lý luận, dẫn chứng chứng minh
- Phần kết luận (Conclusion Paragraph): Đưa ra tóm tắt ngắn gọn
Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu thêm cách viết outline Cho Essay trước khi bắt đầu viết Essay không lan man, lạc đề.
2. Cách viết mở bài essay và kiểm tra lỗi
Nhìn chung, một bài essay có cấu trúc một bài essay khá giống với bài văn mà chúng ta vẫn thường hay làm. Dưới đây Tri Thức Cộng Đồng sẽ chia sẻ cho bạn cách làm chi tiết từng phần.
Cách viết mở bài essay
2.1. Cách viết introduction trong essay
Phần mở bài (introduction paragraph) của một bài Assignment/Essay đơn giản thường có cấu trúc 2 phần:
Phần 1: Background information
- Trình bày bối cảnh của vấn đề, giới thiệu về vấn đề sắp bàn luận (background information)
- Một câu tổng quan để dẫn dắt vấn đề – đơn giản nhất là paraphrase đề bài (đôi lúc có thể đi ngay vào vấn đề mà không cần phần dẫn dắt)
Phần 2: Thesis statement
- Nêu câu chủ đề (Thesis statement) của bài viết nhằm thông báo đến người đọc nội dung chính mà phần thân bài sẽ đề cập.
- Câu Thesis statement phải trả lời đúng và đủ cho yêu cầu đề bài.
- Phần quan trọng nhất trong mở bài là Thesis statement. Các phần khác có thể không có, nhưng câu Thesis statement bắt buộc phải có. Nếu thiếu Thesis statement, phần mở bài được coi như không làm đúng vai trò.
Vậy câu Thesis Statement là gì?
Định nghĩa cuả Thesis Statement như sau: The Thesis statement is the sentence that tells the main idea of the whole essay.
=> Thesis statement là câu nêu lên ý chính cho toàn bài luận.
Thesis Statement: nôm na là 1 câu gói gọn tất cả những gì bạn muốn viết ở Body. Body có bao nhiêu ý, bạn cần liệt kê bấy nhiêu trong Thesis Statement. Nếu không có Thesis statement thì sau khi đọc phần mở bài, người đọc không biết được ý chính của toàn bài là gì – tức là không biết được tác giả sẽ viết gì trong các phần tiếp theo.
2.2. Cách kiểm tra lỗi Introduction Paragraph
Sau khi viết xong Introduction Paragraph, bạn phải xem nó đã đáp ứng được yêu cầu chưa. Cách kiểm tra như sau:
Bước 1: Đọc lại paragraph và xác định câu Thesis statement (nếu làm trên Word có thể in đậm câu thesis statement).
Bước 2: Đối chiếu câu Thesis statement với yêu cầu đề bài xem câu Thesis statement đã trả lời hết các yêu cầu của đề bài chưa.
Bước 3: Nếu câu Thesis statement không trả lời theo yêu cầu hoặc trả lời thiếu yêu cầu đề bài thì cần phải viết lại hoặc bổ sung câu Thesis statement.
Tóm lại mẹo kiểm tra là bạn cần trả lời 2 câu hỏi:
- Đã có Thesis statement chưa?
- Thesis statement có trả lời đúng và đủ yêu cầu đề bài chưa?
3. Cách viết thân bài essay và kiểm tra lỗi
Phần thân bài trong cấu trúc bài Essay thường được xây dựng thành các đoạn văn gồm câu chủ đề và các ý bổ trợ cho câu chính.
3.1. Cấu trúc Body Paragraph
Một đoạn văn bao gồm 2 phần chính:
- Câu chủ đề (Topic sentence): Là câu nên lên ý chính mà đoạn văn muốn nói tới.
- Các ý support (supporting details): Là các câu phát triển câu topic sentence hay phát triển ý chính.
3.3. Các bước viết Body Paragraph
Bước 1: Xác định chủ đề chính của paragraph hay ý tưởng chủ đạo của paragraph.
- Trước khi bắt đầu viết 1 paragraph, chúng ta phải xác định một cách rõ ràng paragraph sẽ nói về vấn đề gì hay mục đích của paragraph là gì (Trả lời cho câu hỏi What).
- Vấn đề chính được thể hiện trong câu topic sentence.
Bước 2: Xây dựng đoạn văn
Trước khi viết một paragraph chúng ta phải ghi chú ra giấy các ý hỗ trợ (support) cho chủ đề chính cụ thể:
- Nêu ra những ví dụ, dẫn chứng hay lập luận
- Sử dụng chi tiết thực tế để hỗ trợ
Những chi tiết, ví dụ, dẫn chứng đó có thể lấy từ các nguồn tài liệu như tạp chí, báo, sách, có thể là những điều mà chúng ta hay ai khác quan sát thấy, những ví dụ trong thực tiễn hay bản thân trải nghiệm,…
Bước 3: Tổ chức các ý thành một paragraph (trả lời cho câu hỏi How)
Sau khi gạch ra được các ý support cho chủ đề chính, chúng ta phải tổ chức các ý đó thành một paragraph. Tùy vào mỗi dạng và mục đích của paragraph sẽ có các cách tổ chức khác nhau.
3.4. Yêu cầu đối với Body Paragraph
- Unity (Tính nhất quán)
Như đã đề cập ở các phần trước, mỗi câu trong một đoạn văn phải liên quan đến chủ đề và phát triển “ý tưởng chủ đạo” của đoạn. Nếu một câu không liên quan hay phát triển ý tưởng đó, nó trở nên “irrelevant” (không thích hợp) và cần phải được lược bỏ.
- Coherence (Tính mạch lạc)
Một đoạn văn cần phải có tính mạch lạc hay “coherence”.
Thế nào là một đoạn văn mạch lạc?
Một đoạn văn mạch lạc là đoạn chứa các câu văn được sắp xếp một cách logic và có mạch văn trôi chảy. Nếu như tính nhất quán liên quan đến ý tưởng đoạn văn thì tính mạch lạc liên quan đến cách tổ chức và phát triển các ý trong đoạn văn.
Sự sắp xếp một cách logic liên quan đến thứ tự của các câu văn và các ý tưởng. Có rất nhiều cách để sắp xếp các câu, tùy thuộc vào mục đích của bạn.Ví dụ, nếu bạn muốn mô tả một câu chuyện xảy ra trong phim (cốt truyện), bạn sẽ sắp xếp các câu văn theo đúng trình tự các hành động trong phim, từ đầu đến cuối, theo đúng trình tự.
Theo một cách khác, nếu bạn muốn mô tả một khoảnh khắc ly kỳ nào đó trong phim, bạn phải lựa chọn một vài khoảnh khắc và quyết định một thứ tự hợp lý để kể – có thể giới thiệu vài cảnh ít hấp dẫn trước và cảnh hấp dẫn nhất sẽ nói sau cùng để tạo ra sự hồi hộp.
Một đoạn văn vẫn có thể trở nên rời rạc ngay cả khi các ý tưởng đã được sắp xếp theo một trình tự logic. Đôi khi, trong lúc viết bài các học viên nhớ ra điều gì đó mà họ muốn nói trước và cứ thế đem vào bài viết của họ. Đáng tiếc, các câu này thường kết thúc một cách lạc lõng.
3.5. Cách check lỗi paragraph
Sau khi bạn viết một đoạn văn, hãy kiểm tra xem đoạn văn của bạn có thỏa mãn các yêu cầu sau không:
– Đoạn văn của bạn có câu chủ đề “topic sentence” nêu ra ý chính hay ý tưởng chủ đạo của cả đoạn không?
– Đoạn văn của bạn có nhất quán – nghĩa là, các câu trong đoạn có “support” cho “ý tưởng chủ đạo” không?
– Đoạn văn của bạn có mạch lạc – nghĩa là, các câu trong đoạn có được sắp xếp hợp lý và trôi chảy không?
Một đoạn văn tốt thì phải thỏa mãn cả 3 yêu cầu trên – tức là câu trả lời cho cả 3 câu hỏi trên là YES. Nếu một trong những yêu cầu trên không đáp ứng, bạn cần phải sửa lại paragraph cho đến khi thỏa mãn được cả 3 yêu cầu.
>>>Xem thêm bài viết liên quan: Cách Viết Discussion Essay Đầy Đủ, Chi Tiết Nhất
4. Cách viết kết bài essay và kiểm tra lỗi
Cách viết kết bài essay
4.1. Conclusion Paragraph là gì?
Conclusion paragraph hay phần kết bài có vai trò tóm tắt lại những gì mình đã viết trong bài, giúp cấu trúc bài Essay hoàn thiện. Nhìn vào các công thức dưới đây, bạn có thể dễ dàng hiểu được vai trò của Conclusion Paragraph:
Introduction paragraph = Introduction + Thesis statement
Conclusion paragraph = Rephrased thesis statement + Conclusion.
4.2. Cách viết Conclusion Paragraph
Thông thường, một Conclusion paragraph gồm 3 câu:
Topic sentence: Tổng kết lại ý trong Thesis statement ở phần mở bài. Trong phần kết bài lưu ý không được nêu lên một ý mới.
Supporting sentences: Tổng kết lại những ý đã nói trong phần thân bài (tương tự phần nêu tóm lược các lý do trong phần mở bài).
Closing sentence: Câu mở rộng chủ đề (câu này có thể có hoặc không)
4.3. Yêu cầu đối với Conclusion Paragraph
Một yêu cầu cơ bản đối với phần kết bài là câu topic sentence tóm tắt lại được những gì đã viết trong bài Essay – nêu lại ý của Thesis statement trong mở bài. Nếu không có câu topic sentence này thì phần kết bài sẽ không hoàn thành nhiệm vụ là một conclusion paragraph.
4.4. Cách kiểm tra đối với Conclusion Paragraph
Sau khi viết xong Conclusion paragraph, chúng ta phải xem phần thân bài đó đã viết đúng chưa. Cách làm Essay như sau:
Bước 1: Đọc lại paragraph và viết lại ra giấy câu Conclusion – tức là câu Topic sentence (nếu làm trên Word có thể in đậm).
Bước 2: Đối chiếu câu Conclusion với câu Thesis statement xem nó có diễn đạt lại ý của Thesis statement không (hoặc đối chiếu với yêu cầu đề bài xem nó có trả lời hết các yêu cầu đề bài không).
Bước 3: Nếu ý trong câu Conclusion khác với ý trong câu Thesis statement (không trả lời theo yêu cầu hoặc trả lời thiếu yêu cầu đề bài) thì cần phải viết lại hoặc bổ sung câu Conclusion.
Xem thêm các bài viết khác cùng chủ đề: Cấu trúc bài cause and effect essay
5. Tổng hợp 7 quy tắc vàng triển khai viết bài essay
Để có cấu trúc bài essay hiệu quả, bạn cần xây dựng nó bằng cả một quá trình. Qúa trình đó diễn ra từ việc nghe, quan sát, thu thập kiến thức trên giảng đường và ngoài đời sống cho đến việc tham khảo các nguồn tài liệu trên internet. Sau đó bạn đúc kết tất cả những gì học được thành kiến thức của mình nhằm đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đó. Dưới đây là 7 quy tắc để triển khai một bài essay có hiệu quả nhất.
7 Quy tắc vàng triển khai viết bài essay hiệu quả
5.1. Xây dựng đề cương
Xây dựng đề cương là lập một kế hoạch cụ thể cho việc nghiên cứu đề tài. Đây là bước bạn nên làm trước khi bắt tay vào viết bài.
- Trong đề cương thường bao gồm:
- Tên đề tài
- Mục đích nghiên cứu đề tài
- Phân tích đề tài
- Mục đích của việc xây dựng đề cương là:
- Giúp cho tác giả tiến hành viết bài một cách logic và hiệu quả hơn.
- Làm cho bài viết có trọng tâm và triển khai đúng hướng.
5.2. Xây dựng câu luận điểm essay chính (Thesis Statement)
Luận điểm chính là linh hồn của bài viết, thể hiện quan điểm của tác giả xuyết suốt bài luận. Đây là yếu tố quyết định bài viết có thuyết phục được người đọc hay không. Do đó, khi xác định câu luận điểm cần thận trọng và lưu ý một số vấn đề sau:
- Luận điểm chính giúp người đọc nhận diện được quan điểm của tác giả đối với vấn đề đang nhắc đến. Vì vậy luận điểm phải rõ ràng, xác đáng và bao quát được ý đồ của tác giả.
- Tránh nhầm lẫn giữa luận điểm và đề tài của bài viết. Đề tài chỉ là phạm vi nghiên cứu của bài luận còn luận điểm mới được xem là trọng tâm, cốt lõi của vấn đề.
- Một câu statement sẽ bao gồm 2 phần: phần đầu nêu chủ đề và phần sau nêu quan điểm của cá nhân bạn.
- Luận điểm chính thường nằm ở cuối phần mở bài.
Ví dụ: bạn muốn viết về vấn đề thiếu cân bằng giới tính trong các trường đại học, thì một tiêu đề (luận điểm chính) có thể là “Universities should accept equal numbers of men and women in every subject”.
5.3. Thu thập dữ liệu, ghi chú lập luận, bằng chứng cụ thể
Một bài essay giá trị cần có những dữ liệu, lập luận và bằng chứng mang tính xác thực. Tài liệu và bằng chứng sẽ giúp quá trình chứng minh cho luận điểm của bạn có căn cứ và đạt độ tin cậy cao.
Có 4 bước để thu thập dữ liệu hiệu quả nhất:
- Đọc tổng quát tài liệu: chủ yếu đọc hệ thống luận điểm, luận cứ và các từ khóa chính để xem tài liệu đó có giúp ích được cho đề tài của bạn không.
- Trả lời một số câu hỏi: Luận điểm mà tác giả bài viết này đưa ra là gì? Tác giả đã dùng những lập luận gì để hỗ trợ cho bài viết? Cấu trúc của bài viết được tác giả triển khai như thế nào? Điểm này có gì liên hệ với bài viết của mình? Lý giải những chỗ gây khó hiểu trong bài viết.
- Chú thích lại những ý có thể hỗ trợ cho bài luận của bạn
- Tóm tắt lại ý chính của những phần đã chú thích để có được tài liệu, bằng chứng mà bạn cần.
5.4 Sắp xếp dữ liệu và ý tưởng, xem xét lại các luận điểm essay
Sau khi đã có những dữ liệu và ý tưởng cụ thể, bạn cần sắp xếp các ý này theo một hệ thống. Việc làm này giúp bạn dễ dàng triển khai luận điểm và chứng minh cho nó.
Mục đích của sắp xếp dữ liệu là:
- Giúp bài essay được triển khai theo đúng ý đồ của người viết
- Giúp các đoạn văn trong cấu trúc bài Essay không bị lan man và có sự liên kết
- Giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được thông điệp mà người viết muốn truyển tải.
5.5 Viết đoạn thân bài (body paragraphs)
Thân bài sẽ đưa ra các luận cứ và dẫn chứng thuyết phục nhằm giải thích và bảo vệ cho luận điểm chính.
Khi viết thân bài cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Mỗi đoạn ở phần thân bài thường diễn đạt một ý chính.
- Tương tự cả bài essay, ở mỗi đoạn cần có một câu tóm gọn chủ đề của đoạn đó
- Các đoạn văn cần có sự liên kết với nhau nhằm bổ trợ cho luận điểm chính
- Thông thường, mỗi đoạn văn có độ dài từ 100-200 từ tùy thuộc vào độ phức tạp của vấn đề
Bạn nên bắt đầu với phần thân trước thay vì phần mở đầu. Bởi vì mở bài và kết luận là một cách giới thiệu cũng như nhắc lại luận điểm. Chúng hoạt động như một khung xung quanh bài tiểu luận của bạn. Nếu luận điểm đã được xác định rõ ràng và triển khai cụ thể ở thân bài thì bạn có thể viết phần mở và kết tốt hơn sau đó.
5.6. Viết phần giới thiệu và kết luận (introduction và conclusion)
Nội dung phần mở bài cần cho người đọc nắm bắt được bài viết sẽ tập trung vào vấn đề gì bằng một số cách dẫn dắt khéo léo như:
- Nêu bối cảnh
- Đưa ra số liệu cụ thể
- Trích dẫn ý kiến người nổi tiếng
- Kể một câu chuyện liên quan đến vấn đề
- Kết đoạn mở bài bằng cách đưa ra câu chủ đề thể hiện luận điểm chính (Câu thesis statement)
Đối với phần kết luận, nó gồm một đoạn văn ngắn và trong đó:
- Người viết nhắc lại luận điểm chính
- Đưa ra ra câu trả lời cuối cùng chốt lại vấn đề và nêu giải pháp cho vấn đề đó.
5.7. Đọc lại và chỉnh sửa bài essay
Việc lập đề cương ngay từ đầu sẽ giúp bạn điều chỉnh được tiến độ và có thời gian chỉnh sửa bài viết. Người viết tiến hành chỉnh sửa theo các bước sau:
- Kiểm tra lại các luận điểm, luận cứ xem đã logic và rõ ràng hay chưa.
- Nếu khác ý có thể bổ sung, hoặc viết lại phần conclusion.
- Kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, lỗi đánh máy, trình bày,.. để bài viết đạt độ chuyên nghiệp
Trên đây là nội dung chi tiết về cấu trúc bài essay và cách viết essay. Hy vọng sẽ giúp bạn một phần trong việc hoàn thành essay của mình một cách hoàn hảo nhất. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, và đừng quên theo dõi những bài viết khác để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
1 bình luận
Sắp xếp: Mới nhất
08/09/2019
Mình chung nhóm với 1 số bạn kém tiếng anh khủng khiếp nhưng tự ái lại rất cao và luôn luôn nghĩ mình đúng nhất, hay nhất. Khổ tâm vc
08/09/2019
Mình chung nhóm với 1 số bạn kém tiếng anh khủng khiếp nhưng tự ái lại rất cao và luôn luôn nghĩ mình đúng nhất, hay nhất. Khổ tâm vc