Các hình thức quản lý hành chính nhà nước hiện nay
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình đối với xã hội, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau và được thể hiện ra bên ngoài dưới những hình thức quản lý nhà nước nhất định.
Mục lục
1.Khái niệm hình thức quản lý hành chính nhà nước
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình đối với xã hội, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau và được thể hiện ra bên ngoài dưới những hình thức nhất định.
Như vậy, hình thức quản lý hành chính nhà nước là sự biểu hiện ra bên ngoài các hoạt động của chủ thể quản lí hành chính nhà nước trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý xã hội.
Việc lựa chọn hình thức quản lý hành chính nhà nước phải đảm bảo các yêu cầu dưới đây:
– Phải phù hợp với chức năng hành chính.
– Phải phù hợp với nội dung và tính chất của những vấn đề, nhiệm vụ cần giải quyết.
– Phải phù hợp với những đặc điểm của đối tượng quản lý cụ thể.
– Phải phù hợp với điều kiện cụ thể.
2.Các hình thức quản lý hành chính nhà nước
Đặc trưng của hình thức quản lí hành chính nhà nước là những hình thức pháp lý liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở sự thống nhất của chức năng chấp hành và điều hành. Ta có thể chia hình thức quản lý hành chính nhà nước thành hai loại cơ bản sau:
– Những hình thức quản lý mang tính pháp lý.
– Những hình thức quản lý ít mang tính pháp lý.
2.1 Những hình thức quản lý mang tính pháp lý
Những hình thức quản lý mang tính pháp lý được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục. Hình thức quản lý mang tính pháp lý bao gồm:
* Văn bản có tính chất chủ đạo
Là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp lớn đề cập đến những vấn đề chung có tính chính trị – pháp lý của quốc gia và địa phương. Các văn bản này là cơ sở trực tiếp để ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thường thể hiện dưới hình thức nghị quyết, quyết định. Nó đảm bảo sự
thống nhất trong lãnh đạo của các cơ quan hành chính nhà nước.
* Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan hành chính nhà nước quy định những quy tắc xử sự chung trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; những nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước; xác định rõ thẩm quyền và thủ tục tiến hành hoạt động của các đối tượng quản lý.
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp lý quan trọng nhất trong hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
* Văn bản cá biệt
Là loại văn bản do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để giải quyết những vụ việc cụ
thể, đối với những đối tượng cụ thể. Ban hành văn bản cá biệt là hình thức hoạt động chủ yếu của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở. Nội dung của nó là áp dụng một hay nhiều quy phạm pháp luật vào một trường hợp cụ thể, trong những điều kiện cụ thể. Việc ban hành văn bản cá biệt làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt những quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.
* Văn bản hành chính thông thường
Là những văn bản mang tính thông tin, phản ánh tình hình, giao dịch, trao đổi, ghi chép công việc, đề xuất… của cơ quan, tổ chức nhà nước nói chung, bao gồm: thông báo, báo cáo, tờ trình, công văn hành chính, biên bản, công điện, giấy mời, giấy đi đường…
* Các hình thức quản lý mang tính pháp lý khác:
– Hoạt động cấp các loại giấy phép.
– Hoạt động cấp các loại giấy chứng nhận.
– Trưng dụng, trưng mua.
– Công chứng, chứng thực.
– Phòng ngừa, ngăn chặn hành chính.
– Xử phạt vi phạm hành chính.
– Các biện pháp xử lý hành chính khác: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
– Tài trợ: là việc Nhà nước hỗ trợ cho một tổ chức, nhóm đối tượng hoặc cá nhân để họ thực hiện một nhiệm vụ hoặc thỏa mãn nhu cầu nhất định thông qua các hình thức như: trợ giá, trợ cấp, miễn, giảm thuế.
– Cung cấp dịch vụ công: là hoạt động phục vụ các lợi ích chung thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức do các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức phi nhà nước thực hiện.
2.2 Những hình thức quản lý ít mang tính pháp lý
Những hình thức quản lý ít mang tính pháp lý được pháp luật quy định về nguyên tắc, khuôn khổ chung để tiến hành chứ không quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục. Pháp luật cho chủ thể có quyền được lựa chọn biện pháp thực hiện để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan quản lý. Hình thức quản lý ít mang tính pháp lý bao gồm:
* Hình thức hội nghị
Hình thức hội nghị có mục đích chủ yếu là để thống nhất ý kiến của tập thể lãnh đạo và điều phối công việc. Hình thức hội nghị còn sử dụng để thông báo, truyền đạt chủ trương, chính sách và pháp luật, triển khai các kế hoạch, giáo dục và đào tạo và giải quyết những công việc chuyên môn.
Hội nghị có nhiều hình thức như: hội nghị truyền thống, hội nghị chuyên môn, hội nghị chuyên đề, phổ biến, hội thảo… Trong hình thức hội nghị, điều quan trọng là chương trình nghị sự, nội dung và cách chủ trì hội nghị phải được thực hiện theo phương pháp khoa học, người đứng ra tổ chức hội nghị phải có kỹ năng tổ chức, điều hành.
* Hình thức hoạt động điều hành bằng các phương tiện thông tin kỹ thuật hiện đại
Đó là việc các cơ quan hành chính nhà nước và các cán bộ, công chức hành chính nhà nước sử dụng các phương tiện kỹ thuật vào hoạt động quản lý như: máy điện thoại, máy Fax, mạng máy tính, chính phủ điện tử, chính phủ kỹ thuật số v.v…
Ưu điểm của hình thức này là nhanh chóng, kịp thời, song có nhược điểm là không đảm bảo được bí mật khi cần thiết và tốn kém.
Các hình thức quản lí hành chính nhà nước hiện đang được cải thiện để phù hợp hơn với yêu cầu của thời đại.
2 bình luận
Sắp xếp: Mới nhất
27/10/2019
Em đang làm luận văn về đề tài ” Cách thức quản lý hành chính của nước ta hiện nay” . Cho e xin ít tài liệu hoặc luận văn mẫu để tham khảo với ạ
27/10/2019
Em đang làm luận văn về đề tài ” Cách thức quản lý hành chính của nước ta hiện nay” . Cho e xin ít tài liệu hoặc luận văn mẫu để tham khảo với ạ
11/09/2019
Em đang làm luận văn về Quản lý hành chính nhà nước nhưng hiện em chưa biết nên viết về đề tài gì với công ty này. Anh/ chị có thể gợi ý cho em k ạ?
11/09/2019
Em đang làm luận văn về Quản lý hành chính nhà nước nhưng hiện em chưa biết nên viết về đề tài gì với công ty này. Anh/ chị có thể gợi ý cho em k ạ?