Tổng Quan Về Chuỗi Giá Trị Toàn Cầu
Trong bài viết sau đây, Tri Thức Cộng Đồng xin chia sẻ đến bạn nội dung tổng quan về chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục lục [Hiện]
1. Các khái niệm về chuỗi giá trị
1.1. Chuỗi giá trị là gì?
Ngày nay cùng với trào lưu toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới thì doanh nghiệp nào có thể thống lĩnh toàn bộ chuỗi giá trị? doanh nghiệp dựa vào thế mạnh của mình để tham gia vào chuỗi giá trị bằng cách chuyên môn hóa từng giai đoạn. Theo quan điểm của đồng tác giả cuốn “handbook for value chain”, Raphael Kaplinsky và Mike Morris, (2002) thì: “chuỗi giá trị là một chuỗi các hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm hay dịch vụ từ khi còn là ý tưởng thông qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau (bao gồm sự kết hợp giữa những yếu tố là biến đổi vật chất và dịch vụ của các nhà sản xuất) đến khi được phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng kể cả việc xử lý sản phẩm đã qua sử dụng”. [30].
Theo quan điểm của tiến sĩ kinh tế học Michael Porter, trường Harvard school (1985): „„chuỗi giá trị gồm toàn bộ các hoạt động gia tăng giá trị bắt đầu từ khâu cung cấp nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, lưu kho hàng hoá, marketing và cung cấp dịch vụ hậu mãi‟‟.
Thật vậy, chuỗi giá trị có thể được hiểu theo hai nghĩa đó là nghĩa rộng và nghĩa hẹp. [29].
Theo nghĩa rộng: chuỗi giá trị được hiểu theo nghĩa rộng là một phức hợp các hoạt động do nhiều người tham gia (người sản xuất sơ cấp, người gia công chế biến, nhà phân phối, nhà cung cấp các dịch vụ…) để biến nguyên liệu thô thành thành phẩm đưa ra bán ở thị trường.
Theo nghĩa hẹp: chuỗi giá trị bao gồm một loạt các hoạt động của một doanh nghiệp để sản xuất ra một sản phẩm hay dịch vụ nhất định. Các hoạt động này bao gồm nhiều giai đoạn: giai đoạn đưa ra ý tưởng, thiết kế sản phẩm, chuẩn bị nguyên vật liệu, sản xuất, marketing, phân phối sản phẩm và hậu mãi. Tất cả những hoạt động này liên kết với nhau thành “chuỗi” kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
1.2. Chuỗi giá trị toàn cầu là gì?
Theo Bruce Kogut, giáo sư trường Wharton School of business, Đại học Pensylvania, thì về cơ bản chuỗi giá trị toàn cầu là „„Một tiến trình trong đó công nghệ được kết hợp với các nguồn nguyên liệu và lao động. Các nguồn đầu vào này được sản xuất, lắp ráp, marketing và phân phối. Một doanh nghiệp đơn lẻ ở một quốc gia có thể chỉ là một mắt xích trong dây chuyền này hoặc cũng có thể được hợp nhất theo chiều dọc trên phạm vi rộng‟‟
Đặc điểm cơ bản của xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới là việc các tập đoàn kinh tế lớn đã áp dụng chiến lược tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất ở nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ khác nhau nhằm tối thiểu hoá chi phí, tăng trưởng doanh số. Ở phạm vi toàn cầu, việc các doanh nghiệp liên kết với nhau bằng cách ký các hợp đồng hợp tác sản xuất đã thiết lập nên hai mạng lưới kinh tế toàn cầu. Do sự chuyên môn hoá vào từng khâu nhất định trong chuỗi giá trị nên không doanh nghiệp nào có thể thống lĩnh toàn bộ chuỗi giá trị. Vì vậy, doanh nghiệp khai thác lợi thế của mình để tham gia vào chuỗi một cách có hiệu quả nhất.
2. Phân loại chuỗi giá trị toàn cầu
Tùy theo tính chất và đặc thù của từng ngành, quy mô sản xuất, mức độ sử dụng nhiều vốn, công nghệ hay lao động mà mỗi chuỗi giá trị cũng mang những tính chất khác nhau thể hiện ở mối liên kết và tính chất của quan hệ giữa các tác nhân trong chuỗi. Theo xu hướng hiện nay thì các công ty thường tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa bằng việc thiết lập hai mạng lưới kinh tế toàn cầu. Một là chuỗi giá trị do người sản xuất chi phối và hai là chuỗi giá trị do người mua chi phối.
Chuỗi giá trị do người sản xuất chi phối (producer driven) là những chuỗi mà trong đó các công ty có quy mô lớn như TNCs, MNCs đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị do người sản xuất chi phối và điều phối mạng lưới sản xuất (bao gồm cả việc phát triển thượng nguồn và hạ nguồn) đồng thời họ cũng là những tác nhân kinh tế quan trọng trong việc tìm kiếm lợi nhuận và kiểm soát các liên kết yếu hơn gồm những nhà cung cấp nguyên liệu thô, linh kiện và các liên kết mạnh gồm những hãng phân phối và bán lẻ. [28].
Các ngành công nghiệp điển hình áp dụng hình thức này là ô tô, máy bay, máy tính, ngành công nghiệp nặng và sản xuất chất bán dẫn. Lợi nhuận thu được chủ yếu dựa vào quy mô sản xuất, doanh số và việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới để đạt được những giá trị vô hình và những khoản lợi nhuận khổng lồ. Các công ty hàng đầu trong chuỗi giá trị do người sản xuất chi phối thường là các tập đoàn sản xuất.
Chuỗi giá trị do người mua chi phối (buyer driven) là những chuỗi tập đoàn bán lẻ, các hãng sản xuất trực tiếp, gián tiếp là những tác nhân kinh tế quan trọng và điển hình trong chuỗi giá trị do người mua chi phối. Những chủ thể này đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập nên mạng lưới sản xuất phi tập trung ở nhiều nước xuất khẩu đặc biệt ở các nước đang phát triển. Do các nước đang phát triển thường theo đuổi chiến lược đẩy mạnh sản xuất hướng hướng về xuất khẩu nên nhiều ngành công nghiệp của những quốc gia này đòi hỏi nhiều lao động đặc biệt là những ngành sản xuất hàng tiêu dùng công nghiệp như ngành may mặc, da giầy, đồ chơi, thủ công mỹ nghệ và điện tử gia dụng. Các nhà cung cấp phụ ở những nước đang và chậm phát triển đảm nhận khâu hoàn thiện sản phẩm cho những người mua nước ngoài. Họ phải cam kết sản xuất theo thiết kế, yêu cầu kỹ thuật của các hãng bán lẻ, các nhà sản xuất gián tiếp lớn trên thế giới.
3. Lợi ích của việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Cùng với sự phân công lao động ngày càng sâu sắc và tính chuyên môn hoá trong hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp thì cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiệu quả sản xuất là điều kiện cần thiết trong việc thâm nhập thành công thị trường toàn cầu. Việc tham gia vào thị trường toàn cầu cho phép doanh nghiệp duy trì thu nhập, gia tăng giá trị qua các công đoạn để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
3.1. Nâng cao tính chuyên môn hoá trong từng công đoạn sản xuất
Khi sự phân công lao động phát triển vượt ra khỏi biên giới quốc gia của một nước, các quốc gia có thể đảm nhiệm những công đoạn nhất định khi tham gia vào chuỗi giá trị của một ngành sản xuất nào đó. Adam Smith cho rằng sự phân công lao động được quyết định bởi quy mô của thị trường. Theo quan điểm này thì những thị trường có qui mô nhỏ sẽ rất khó đạt được sự chuyên môn hoá cao. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp chỉ sản xuất một lượng ghế nhỏ thì họ sẽ không phải thuê nhiều lao động và bản thân doanh nghiệp đó sẽ phải thực hiện tất cả các khâu sản xuất cần thiết để hoàn thiện sản phẩm. Nhưng một khi thị trường được mở rộng thì nhà sản xuất sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận và mức sản lượng lớn đòi hỏi họ phải thuê nhân công đặc biệt là những người thợ có tay nghề để chuyên môn hoá vào công đoạn sản xuất. Sự chuyên môn hoá sẽ giúp cho doanh nghiệp gia tăng giá trị một cách có hiệu quả hơn khi tham gia vào chuỗi bởi vì người lao động sẽ không phải mất thời gian cho quá nhiều thao tác công việc mà họ chỉ phải tập trung vào những công đoạn sản xuất nhất định phù hợp với chuyên môn của họ.
Việc doanh nghiệp của một quốc gia nào đó trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu và đảm nhận những khâu nhất định cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó phải đối mặt với sự cạnh tranh trong toàn bộ hệ thống. Việc lựa chọn các yếu tố đầu vào – hàng hoá và dịch vụ – trong chuỗi sản xuất cho phép doanh nghiệp có thể đánh giá được vai trò và khả năng tạo giá trị của mình trong toàn chuỗi.
3.2. Tăng hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp
Việc đánh giá hoạt động kinh doanh và thương mại của doanh nghiệp theo từng công đoạn (phương pháp chuỗi giá trị) sẽ giúp hiểu được những thuận lợi và khó khăn của một doanh nghiệp hoặc quốc gia trong việc chuyên môn hoá sản xuất hàng hoá hơn và cung ứng dịch vụ. Mối liên hệ giữa các công ty và người tiêu dùng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến khả năng đạt được những lợi ích nhất định khi tham gia thị trường toàn cầu.
Có thể nói rằng thước đo hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận và nếu theo quan điểm của chuỗi giá trị thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được đo bằng lượng giá trị gia tăng ở những khâu nhất định. Giai đoạn sau chiến tranh đặc biệt là ở hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, có rất nhiều doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất của mình bằng cách mở rộng hoạt động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất và giảm chi phí sản xuất ở quy mô toàn cầu.
Việc chuyên môn hoá sản xuất theo từng công đoạn của chuỗi giá trị sẽ giúp điều chỉnh tốt hơn toàn bộ chu kỳ sản xuất và cả sự liên kết với thị trường tiêu dùng cuối cùng để từ đó làm cho quy trình sản xuất một sản phẩm nào đó sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Mô hình liên kết hình tam giác của Gereffi trong chuỗi giá trị hàng may mặc cũng phát huy mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia chuỗi. Theo đó các hãng sản xuất hàng may mặc của Hồng Kông sẽ sản xuất trực tiếp cho thị trường Mỹ. Khi doanh thu giảm do hàng may mặc xuất khẩu bị áp đặt hạn ngạch thì các hãng lại thay đổi chức năng hoạt động trong chuỗi bằng cách ký các hợp đồng sản xuất với các nước thứ 3 đầu tiên là Trung Quốc đại lục và sau đó là Mauritius – rồi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên gần đây hai hãng Pringle và Tommy Hilfiger đã bán những sản phẩm có nhãn hiệu của riêng mình hoặc là mua những gian hàng bán lẻ ở Châu Âu và Nam Mỹ.
Tóm lại, việc tham gia vào chuỗi giá trị sẽ tăng khả năng chuyên môn hoá từ đó tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn thực hiện chiến lược tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí rẻ ở những nước đang và chậm phát triển còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ sản xuất sản phẩm tốt hơn để cung ứng và thu lợi nhuận nhiều hơn.
3.3. Tăng thu nhập cho các chủ thể trong chuỗi
Khi tiến trình toàn cầu hoá ngày càng phát triển, thì mô hình phân phối thu nhập giữa các quốc gia và các công ty đã ngày càng trở nên phức tạp. Mối liên hệ giữa các hoạt động kinh tế ở quy mô toàn cầu với khả năng đáp ứng nhu cầu khiến cho thu nhập phát sinh từ những hoạt động kinh tế này đã ngày càng trở nên lỏng lẻo. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rất năng động hiện nay, sự chuyên môn hoá vào từng khâu của công đoạn trong chuỗi sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất của các chủ thể và từ đó giúp gia tăng thu nhập của doanh nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp khác nhau ở phạm vi quốc gia hoặc toàn cầu thì thu nhập của họ tuỳ thuộc vào việc doanh nghiệp đó có khả năng chiếm lĩnh khâu nào trong chuỗi. Trong chuỗi giá trị của một ngành kinh doanh nào đó, các doanh nghiệp, khu vực hoặc quốc gia đều có khả năng liên kết và hoạt động như một mạng lưới toàn cầu. Nhìn ở phạm vi toàn cầu thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau sẽ ảnh hưởng đến mức thu nhập của toàn bộ hệ thống và là cơ sở của những nỗ lực gia tăng giá trị của các chủ thể. Hơn nữa, việc tham gia vào chuỗi giá trị sẽ tạo động lực gia tăng thu nhập của các chủ thể trong chuỗi.
Việc gia tăng thu nhập của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi các rào cản thương mại bởi vì rào cản cũng làm hạn chế năng lực cạnh tranh nhưng rào cản càng lớn thì doanh nghiệp càng có khả năng tăng lợi nhuận. Vì vậy, lợi nhuận phản ánh hình thức thu nhập của doanh nghiệp trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Thu nhập được phân phối trong chuỗi giá trị toàn cầu có thể được thực hiện bằng các nguồn vốn đầu tư khác nhau như vốn đầu tư mạo hiểm, vốn công nghệ, vốn lao động, nguồn tài nguyên và các nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho quá trình gia tăng giá trị. Việc tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp sẽ giúp gia tăng thu nhập ở các công đoạn. mức sản lượng do lao động tạo ra chính là nhân tố quan trọng duy trì thu nhập của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi.
Nguồn: trithuccongdong.net
0 bình luận
Sắp xếp: Mới nhất