Hotline 24/7: 0946883350

Email: ttcd.group@gmail.com

logo

Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài: Khái Niệm, Vai Trò, 5 Hình Thức, Ví Dụ

4/5 (9 đánh giá) 0 bình luận

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những hoạt động có tính bước ngoặt nhằm phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nếu hiểu rõ hơn về khái niệm, đặc điểm, vai trò và lợi ích của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ có những biện pháp để gia tăng nguồn đầu tư này. Dưới đây là bài chia sẻ chi tiết về hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Tri Thức Cộng Đồng.

1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì?

Theo Luật Đầu tư Việt Nam (2005)

Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư tham gia quản lý hoạt động đầu tư (Mục 2 – Điều 3). Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào Việt Nam bằng tiền mặt hoặc bất cứ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của luật này .

Từ các khái niệm trên, đưa ra kết luận: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là quá trình di chuyển vốn mang tính chất dài hạn từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong đó nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư một tỷ lệ vốn nhất định và trực tiếp tham gia quản lý sản xuất kinh doanh, nhằm thu được lợi ích lâu dài về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội.”

Khái niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI rất phong phú và đa dạng.

Có nhiều khái niệm khác nhau về FDI nhưng chung quy lại chúng ta có thể hiểu:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.

Điều kiện: Doanh nghiệp đầu tư phải sở hữu tối thiểu 10% tổng số cổ phiếu của doanh nghiệp hưởng nguồn vốn thì mới được công nhận là FDI.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì?

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì?

Còn theo Luật Đầu tư Việt Nam ban hành năm 2005 quy định tại Mục 2 - Điều 3 như sau: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào Việt Nam bằng tiền mặt hoặc bất cứ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của luật này. 

Nói một cách tổng quan nhất, để nhận định được đâu là khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài đúng, người đọc cần xác định 3 yếu tố chính sau:

  • Quan hệ: Là hoạt động đầu tư rót vốn giữa 2 quốc gia khác nhau
  • Quyền lợi: Nhấn mạnh quyền sở hữu và điều hành quản lý doanh nghiệp trực tiếp

Mục đích: Nhằm thu được lợi ích lâu dài về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội cho cả 2 nước tham gia.

2. Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài

Lợi ích của đầu tư trực tiếp nước ngoài là hết sức to lớn, đó chính là lý do tại sao trong nhiều năm qua chính phủ Việt Nam liên tục khuyến khích tiến hành tiếp nhận và xuất khẩu vốn đầu tư. 

Vậy cụ thể vai trò của hoạt động đầu tư này ra sao? Cùng tìm hiểu trong phần dưới đây.

Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài

Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài 

2.1. Đối với nước xuất khẩu vốn đầu tư

Mục tiêu cơ bản của hoạt động xuất khẩu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là mang lại lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, hoạt động đầu tư FDI còn mang đến 3 tác động tích cực cho nước xuất khẩu vốn như:

  • Hỗ trợ kinh tế: Các chủ đầu tư có thể tận dụng tối đa lợi thế của các nước tiếp nhận, từ đó làm giảm chi phí sản xuất, đồng thời còn có thể sở hữu được nguồn cung nguyên vật liệu ổn định.
  • Tăng khả năng cạnh tranh: Nhờ sản xuất tại môi trường mới, chủ đầu tư có điều kiện đổi mới cơ cấu sản xuất, áp dụng công nghệ mới và nâng cao tính cạnh tranh.
  • Nâng cao uy tín: Giúp các nước chủ đầu tư khẳng định tiềm lực kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ và tránh được hàng rào bảo hộ mậu dịch của các nước.

Bên cạnh đó cũng tồn tại 2 tác động tiêu cực ảnh hưởng đến nền kinh tế và tình hình chính trị - xã hội như:

  • Tăng tỷ lệ thất nghiệp: Việc dịch chuyển sản xuất đến một quốc gia khác làm lượng cung việc làm bị sụt giảm, từ đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
  • Khó khăn trong môi trường mới: Đầu tư vào các nước kém phát triển hơn đòi hỏi chủ đầu tư phải bỏ thời gian, công sức chấn chỉnh và hướng dẫn bước đầu.

2.2. Đối với nước tiếp nhận vốn đầu tư

4 tác động tích cực nổi bật đối với quốc gia được tiếp nhận với đầu tư có thể kể đến như:

  • Tăng trưởng kinh tế: Góp phần tăng nguồn thu nhập và tạo điều kiện để cải thiện tình hình ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực. 
  • Thúc đẩy chuyển đổi: FDI mang lại công nghệ khoa học hiện đại, kỹ xảo chuyên môn cao, trình độ quản lý tiên tiến. 
  • Cung cấp việc làm: FDI giúp giải quyết các khó khăn về kinh tế - xã hội, điển hình như tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người lao động chân tay
  • Cải thiện chất lượng nhân lực: Người lao động và các nhà quản lý trực tiếp có cơ hội học hỏi và nâng cao trình độ.

Những tác động tích cực kể trên cũng đi kèm với 3 tác động tiêu cực đối với nước tiếp nhận vốn đầu tư:

  • Bất lợi về tài chính: Tỷ lệ góp vốn trong doanh nghiệp khiến nước tiếp nhận đầu tư bị bất lợi trong phân chia lợi nhuận, đồng thời chi phí sản xuất cao cũng làm tăng giá thành sản phẩm trong nước.
  • Gây ô nhiễm môi trường: Do chính sách khuyến khích đầu tư nên vấn đề lâu dài bảo vệ môi trường vẫn chưa được quy định chặt chẽ, điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến môi trường của nước sở tại.
  • Bất ổn chính trị: Lượng vốn rót vào các nước đang phát triển có thể làm tăng thêm sự mất cân đối giữa các vùng, ảnh hưởng xấu đến xã hội như thay đổi tính cách, quan điểm con người, xảy ra các tệ nạn…
Vai trò đối với nước tiếp nhận vốn đầu tư

Vai trò đối với nước tiếp nhận vốn đầu tư

2.3. Đối với thị trường Việt Nam

Việt Nam chính thức mở cửa giao thương cách đây 30 năm, đó cũng là lúc các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường. Trải qua một quãng thời gian dài đó, FDI đã thể hiện vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các lĩnh vực về xã hội - văn hóa với Việt Nam:

  • Kinh tế: Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp
  • Thị trường: Nâng cao năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường
  • Cơ cấu: Góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực
  • Nhân lực: Thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, người lao động được tiếp thu trình độ kỹ thuật và kỹ năng quản lý hiện đại, thích hợp với môi trường hiện giờ.

Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục được nhấn mạnh không chỉ trong các tổ chức, cơ quan Nhà nước mà còn được nhắc đến tại các trường học. Trong quá trình học tập, để mở rộng kiến thức và tìm kiếm thêm tư liệu tham khảo, bạn hãy xem bài tiểu luận thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Tri Thức Cộng Đồng.

3. Danh sách 5 hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài phổ biến

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều hình thức và cách phân loại khác nhau, dưới đây là danh sách 5 hình thức đầu tư phổ biến nhất hiện nay.

5 hình thức đầu tư phổ biến

5 hình thức đầu tư phổ biến

3.1 Đầu tư FDI theo mục đích của nhà đầu tư

Dựa vào mục đích của nhà đầu tư, FDI được chia thành 2 hình thức:

Đầu tư theo chiều ngang là dạng đầu tư chỉ rót vốn vào công ty nước ngoài cùng ngành hoặc sản xuất những mặt hàng tương tự nhau như ở công ty đi đầu tư.

  • Ví dụ minh họa: Công ty Zara có trụ sở tại Tây Ban Nha đầu tư vốn vào một công ty cùng sản xuất ngành hàng may mặc quần áo ở Ấn Độ có tên là Fabindia. 

Đầu tư theo chiều dọc là dạng đầu tư được thực hiện trong suốt chiều dài chuỗi cung ứng của công ty, có thể trong một ngành hoặc nhiều ngành khác nhau.

  • Ví dụ minh họa: Nhà sản xuất đồ ăn nhanh McDonald’s mua một trang trại quy mô lớn ở Canada chỉ để phục vụ cho việc sản xuất thịt tại các cửa hàng của họ.

3.2. Đầu tư FDI dựa trên vốn sở hữu

Dựa vào hình thức góp vốn của chủ sở hữu có thể chia FDI thành 2 loại:

Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư trực tiếp mà nhà đầu tư với tư cách là một tổ chức kinh tế hợp pháp bỏ vốn và tài sản của mình vào thành lập doanh nghiệp mới.

  • Ví dụ: Tập đoàn Samsung bỏ 100% vốn đầu tư để xây dựng nhà máy phát triển chế tạo đồ gia dụng tại Ấn Độ.

Đầu tư tư nhân là hình thức đầu tư mà trong đó chủ đầu tư với tư cách là một cá nhân kinh doanh cung cấp nguồn lực đầu tư vào một quốc gia khác.

  • Ví dụ: Tổng thống X tổ chức xây dựng nhà máy đào tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc.

3.3. Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là một trong 4 hình thức đầu tư gián tiếp giữa hai hoặc nhiều thực thể đến từ các quốc gia khác nhau. 

Lưu ý: Hình thức đầu tư này yêu cầu phải tuân theo các quy định về tỷ lệ góp vốn, hình thức và phạm vi hoạt động do nước sở tại quy định.

Ví dụ: Masan góp vốn bằng cách mua cổ phần tập đoàn công ty 3F Việt - doanh nghiệp nội địa hàng đầu cung cấp các sản phẩm thịt gia cầm.

Môt số tài liệu về vốn có thể sẽ rất hữu ích cho quá trình tìm hiểu của bạn:

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

3.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP

Đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa các cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để cùng thực hiện, quản lý và vận hành dự án.

Ví dụ: Dự án xây dựng BOT Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 do chủ đầu tư là công ty TNHH Điện lực Mông Dương -  Trung Quốc - tiến hành.

3.5. Đầu tư theo hợp đồng BCC

Đầu tư theo hợp đồng BCC hình thức hợp tác kinh doanh, ký kết đầu tư giữa các nhà đầu tư với nhau nhằm mục đích phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm.

Ví dụ: Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty Chevron Việt Nam (Mỹ), Công ty TNHH Khai thác Mitsui Oil (Nhật Bản) và Công ty PTTEP (Thái Lan) đã ký hợp đồng BCC để thực hiện dự án xây ống dẫn khí Lô B - Ô Môn ở Việt Nam.

Một số tài liệu liên quan khác về đầu tư mà có thể sẽ hữu ích cho bạn: 

4. Đặc điểm FDI

FDI là hình thức đầu tư nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư.

Đây là hình thức đầu tư bằng vốn của tư nhân do các chủ đầu tư tự quyết định đầu tư, tự quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Hình thức này mang tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, không có những ràng buộc về chính trị , không để lại gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế.

Chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp 1 tỷ lệ vốn tối thiểu trong vốn điều lệ hoặc vốn pháp định để giành quyền điều hành hay tham gia điều hành doanh nghiệp nhận đầu tư ( theo luật đầu tư nước ngoài của việt nam là tối thiểu 30% vốn pháp định của dự án).

Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia, cũng như lợi nhuận và rủi ro đc phân chia theo tỷ lệ đóng góp của các bên trong vốn điều lệ hoặc vốn pháp định.

Thu nhập mà chủ đầu tư thu được phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà họ bỏ vốn đầu tư, nó mang tính chất thu nhập kinh doanh chứ không phải là lợi tức.

Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nước sở tại có thể tiếp nhận được các tiến bộ công nghệ tiên tiến , học hỏi kinh nghiệm quản lý… là những mục tiêu mà các hình thức đầu tư khác không giải quyết được.

Nguồn vốn đầu tư này không chỉ bao gồm vốn đầu tư ban đầu của chủ đâu tư dưới hình thức vốn pháp định mà trong quá trình hoạt động, mà nó còn bao gồm cả vốn vay của doanh nghiệp để triển khai hoặc mở rộng dự án cũng như vốn đầu tư từ nguồn lợi nhuận thu được.

5. Khái quát về thu hút FDI

5.1. Quan niệm về thu hút vốn đầu tư

Thu hút là việc tạo nên ấn tượng mạnh mẽ để các tổ chức, cá nhân quan tâm và dồn sự chú ý vào đối tượng cần thu hút.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là tổng hợp nhiều hoạt động marketing nhằm đẩy mạnh thu hút FDI ; tổ chức các hội thảo và phái đoàn vận động đầu tư, tham gia vào các triển lãm, diễn đàn về thương mại đầu tư , phân phát các tài liệu tuyên truyền kêu gọi đầu tư, tổ chức các buổi tiếp xúc giữa các nhà đầu tư tiềm năng với các đối tác địa phương, trợ giúp nhà đầu tư khảo sát hình thành dự án, phê duyệt và cấp phép đầu tư, các hỗ trợ sau khi dự án đi vào hoạt động.

Có thể khái quát, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là tổng thể các biện pháp, hoạt động tích hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với các cơ hội đầu tư tại một quốc gia hay địa điểm nào đó.

Những vấn đề lý luận về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Những vấn đề lý luận về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

5.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế

5.2.1. Môi trường chính trị xã hội

Sự ổn định chính trị xã hội đóng vai trò quyết định đối với việc thu hút vốn đầu tư. Ổn định chính trị luôn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư nước

ngoài. Vì có ổn định chính trị thì các cam kết của chính phủ nước chủ nhà với các nhà đầu tư về sở hữu vốn, các chính sách ưu tiên định hướng phát triển mới được thực hiện. Đây là những vấn đề có thể nói được nhà đầu tư quan tâm nhất vì nó tác động mạnh mẽ đến cấc yếu tố rủi ro trong đầu tư. Tất nhiên trong hoạt động đầu tư, nhất là hoạt động đầu tư nước ngoài là phải chấp nhận mạo hiểm, nhiều khi mạo hiểm và độ rủi ro cao lại đi liền với một tỷ suất lợi nhuận cao.

Ảnh hưởng của môi trường chính trị- xã hội thể hiện rõ ở các nước có nền chính trị ổn định đã thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng như: Singapore, Malaisia. Trong hai thập kỷ cuối thế kỷ 20 nhiều hơn hẳn vào Thái Lan và Philippin, tình hình đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, Việt Nam trong những năm gần đây cũng tăng lên với tốc độ cao. Điều đó tiếp tục khẳng định giữ ổn định chính trị ngày càng trở nên quan trọng hàng đầu trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và ngay khi đã đầu tư vào một nước nào đó mà tình hình chính trị mất ổn định thì khả năng các nhà đầu tư sẽ phải tính đến là nên có tiếp tục đầu tư hay chuyển đến một nơi khác an toàn hơn. Kinh nghiệm cho thấy nhiều quốc gia có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, về thị trường rộng lớn nhưng lại gặp khó khăn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài do có xung đột về chính trị. Do vậy sự ổn định về chính trị là yếu tố đầu tiên để nhà đầu tư xem xét có nên đầu tư hay là không.

5.2.2. Cơ chế chính sách và thủ tục hành chính

Cơ chế chính sách là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trường đầu tư.

Cơ chế chính sách tiến bộ hấp dẫn, có lợi ích cao, phù hợp với thông lệ quốc tế là một tiêu chí quan trọng để nhà đầu tư lựa chọn quyết định đầu tư. Cơ chế chính sách chính là hệ thống pháp luật được nhà nước ban hành nhằm khuyến khích đầu tư bao gồm các ưu đãi đầu tư và các biện pháp đảm bảo cho các ưu đãi được thực hiện trên thực tế.

Cùng với hệ thống chính sách về đầu tư, đi liền với nó là một môi trường pháp lý đồng bộ, thể hiện ở các định chế pháp lý hoàn thiện như: hiến pháp, tòa án kinh tế, trọng tài kinh tế, hệ thống kiểm toán quốc gia….

Cùng với phương thức vận hành của chúng, môi trường pháp lý hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, một mặt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm trong hoạt động đầu tư, mặt khác đó cũng chính là căn cứ và là công cụ hữu hiệu đề nhà nước kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài.

Chính từ các vấn đề có tính nguyên tắc nêu trên, yêu cầu đòi hỏi phải phát triển hệ thống thồng tin, dịch vụ tư vấn pháp lý nhanh chóng và chuẩn xác, trung thực giúp cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn đầu tư nước ngoài vừa đúng hướng vừa chặt chẽ, đông thời tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cùng với cơ chế chính sách ưu đãi , thông thoáng cần phải có thủ tục hành chính đơn giản, dễ thực hiện,ít khâu trung gian và thời gian thực hiện ngắn. Để có được một thủ tục như vậy, ngoài việc có một hệ thống văn bản pháp luật khoa học, quy định rõ ràng, rành mạch trách nhiệm của các chủ thể, cần xây dựng một quy trình làm việc khoa học với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, một tinh thần trách nhiệm tận tụy và có chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Thủ tục hành chính gọn nhẹ cho phép giải quyết công việc một cách nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh lãng phí và tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, điều đó cũng nói lên trình độ tổ chức và quản lý quốc gia hoặc địa bàn của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương

Có thể nói, cơ chế chính sách và thủ tục nói riêng, môi trường pháp lý nói chung là điều kiện có tính chất cốt lõi để thu hút các nhà đầu tư.

Kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới trong quá trình cải cách hội nhập cho thấy: quốc gia nào có chính sách cởi mở, thông thoáng, thủ tục hành chính thuận tiện thì thu hút vốn đầu tư lớn.

Chủ đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng được rất đông các bạn sinh viên lựa chọn làm đề tài tiểu luận. Nếu bạn đang bí ý tưởng đề tài hoặc chưa biết cách triển khai nội dung cho chủ đề này, tham khảo ngay 2 mẫu tiểu luận thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt điểm cao kèm theo kho tổng hợp 25 mẫu đề tài tiêu biểu nhé!

5.2.3. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội

Từ hoạt đông FDI, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đi đến nhận xét: “ ưu đãi thuế cũng tốt nhưng không tốt bằng cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và đơn giản hóa thủ tục đầu tư”. Bởi lẽ, hoạt động kinh tế, hoạt động đầu tư bao giờ cũng tồn tại trong một môi trường kinh tế xã hội nhất định. Môi trường xã hội gắn với một cộng đồng người với những phong tục, tập quán, lối sống, có thể bao gồm nhiều dân tộc tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Môi trường kinh tế phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: tài nguyên thiên nhiên, cơ cấu kinh tế… trong đó kết cấu hạ tầng kinh tế đóng vai trò quan trọng.

Do vậy, chỉ khi xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thì mới có thể thu hút vốn đầu tư nói chung và nguồn FDI nói riêng.

Hệ thống hạ tầng tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, hệ thống hạ tầng đồng bộ,chất lượng tốt trực tiếp làm giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh, vì vậy sẽ mang lại lợi nhuận cao đáp ứng được mục tiêu của các nhà đầu tư.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhiều quốc gia quan tâm tới việc xây dựng không chỉ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại như hệ thống giao thông, năng lương, cấp thoát nước… mà còn quan tâm đến việc xây dựng nhà cửa, trường học cho gia đình và con em của các nhà đầu tư có nơi sinh hoạt và học tập để các nhà đầu tư yên tâm làm việc lâu dài.

Ở Singapo, còn cho phép các nhà đầu tư và gia đình họ cư trú lâu dài hoặc nhập quốc tịch Singapo khi đầu tư vào đây với một số vốn theo quy định, coi đó như một chính sách đòn bẩy.

Vì vậy, quan tâm đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển kinh tế ở một quốc gia hay trong một khu kinh tế.

5.2.4. Nguồn nhân lực

Lao động là nhân tố quyết định cho việc tổ chức và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác. Khi phân tích các bộ phận cấu thành nguồn lực phát triển kinh tế, hầu hết các quốc gia đều khẳng định các nguồn lực chủ yếu là lao động, tài nguyên thiên nhiên, vốn và khoa học công nghệ. Nhưng cả lý uận khoa học và thực tiễn đều khẳng định rằng: nguồn lao động là nhân tố quyết định việc tái tạo, sử dụng, phát triển các nguồn lực còn lại.

Không chỉ dựa trên nền tảng phát triển cao của nguồn lao động về thể chất, trình độ văn hóa, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, lòng nhiệt tình thì không thể sử dụng hợp lý các nguồn lực trên. Thậm chí, thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao có thể làm lãng phí, cạn kiệt và hủy hoại các nguồn lực khác.

Lao động là một bộ phận của các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Chi phí lao động, mức tiền công thể hiện sự cấu thành của nguồn lực trong hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, chi phí nguồn lực lao động trở thành nhân tố cấu thành mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Nguồn lao động không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của nền kinh tế của một quốc gia mà còn là điều kiện bắt buộc trong quá trình phát triển các khu kinh tế. Để xây dựng và phát triển khu kinh tế, nguồn lao động tại chỗ đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng là vô cùng quan trọng, là tiêu chí hàng đầu khi nhà đầu tư quyết định đầu tư vào đó. Bởi lẽ, ngoài việc phải đáp ứng nguồn nhân lực một cách thông thường để vận hành hoạt động của các nhà máy, công ty trong khu kinh tế, vấn đề đặt ra hiện nay là phải đảm bảo các yếu tố cạnh tranh và nâng cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp.

Cho nên, địa bàn nào, khu vực nào có nguồn lao động dồi dào,đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo cơ bản, điều kiện sinh hoạt cho công nhân, cán bộ kỹ thuật càng thuận lợi thì càng thu hút dễ dàng hơn các nhà đầu tư đến với khu vực đó. Đây là tiêu chí cạnh tranh đồng thời cũng là môi trường đầu tư quan trọng cần phải được hoàn thiện.

Vì vậy, đảm bảo một nguồn lao động dồi dào về số lượng, phù hợp về cơ cấu ngành nghề và có chất lượng cao là điều kiện không thể thiếu đối với việc phát triển các khu kinh tế trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhân tố con người trở thành quyết định hơn bao giờ hết.

5.2.5. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng to lớn trong việc thành công hay thất bại trong việc xây dựng khu kinh tế. việc xác định đúng vị trí để xây dựng các khu kinh tế có ý nghĩa quyết định 50% của sự thành công, còn lại phụ thuộc vào vai trò của các nhân tố khác.

Dễ dàng nhận thấy vị trí địa lý là môi trường đầu tư tự nhiên mà thiên nhiên tạo ra cho con người, điều kiện ấy thỏa mãn các yêu cầu của sự phát triển. Vị trí đầu tư lý tưởng là vị trí đáp ứng được nhiều nhất các tiêu chí cơ bản về giao thông, thị trường và mặt bằng bố trí sản xuất.

5.2.6. Chiến lược xúc tiến đầu tư

Xúc tiến đầu tư là hoạt động quảng bá hình ảnh một quốc gia, một địa phương hay một khu kinh tế, để mọi đối tác quan tâm đến vấn đề đầu tư có điều kiện tìm hiểu kỹ về cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, về nhu cầu đầu tư, về điều kiện kết cấu hạ tầng, về nguồn nhân lực, về thị trường tiêu thụ và các vấn đề có liên quan khác. Đó là những nội dung mà các nhà đầu tư nghiên cứu làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư.

Có thể nói công tác xúc tiến đầu tư chính là hoạt động đối ngoại trong đầu tư, tức là hoạt động đưa thông tin đầu tư ra bên ngoài và đến với các đối tượng có nhu cầu đầu tư. Hay nói cách khác, công tác xúc tiến đầu tư là chủ động tìm kiếm đối tác đầu tư để đầu tư vào những dự án đã được xác lập, đã theo kế hoạch.

Vì vậy, xúc tiến đầu tư là một trong những chiến lược quan trọng của mọi quốc gia trong quá trình phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện toàn cầu hóa ngày càng diễn ra sâu sắc, đầu tư nước ngoài đang trở thành xu hướng tất yếu, là một trong những biện pháp quan trọng để các nước đang phát triển thay đổi cơ cấu đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra rất sâu rộng như hiện nay, những lợi ích mà nguồn vốn FDI mang lại rất nổi bật, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu còn có thắc mắc gì về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bạn vui lòng liên hệ ngay với Tri Thức Cộng Đồng để được giải đáp mọi thắc mắc nhiệt tình.

Tài liệu tham khảo

  1. IMF. (2018). Definitions of Foreign Direct Investment (FDI): a methodological note, 5(2). WorldBank.  
  2. Lý Hùng. (2019). Đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chiều ngang - chiều dọc. Tạp chí Dân Kinh tế.
  3. Thùy Trang. (2021). Hình thức đầu tư theo vốn chủ sở hữu được quy định như thế nào? Luật Hoàng Anh.
  4. Luật Minh Khuê. (2020). Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.
  5. Nguyễn Gia Vũ. (2017). Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Tiền Giang: Quỹ đầu tư và phát triển tình. 
  6. Nguyễn Duy Phương. (2021). Đầu tư theo hợp đồng BCC. Luật Văn Phúc.
Bình luận

0 bình luận

Sắp xếp: Mới nhất

Đăng ký nhận tư vấn
Số điện thoại là bắt buộc ! Số điện thoại không hợp lệ !
Tin tức mới nhất
Học thạc sĩ bao nhiêu tiền?
Học thạc sĩ bao nhiêu tiền?
Đào tạo thạc sĩ từ xa
Đào tạo thạc sĩ từ xa
Du học thạc sĩ Trung Quốc cần những yêu cầu gì?
Du học thạc sĩ Trung Quốc cần những yêu cầu gì?
Các cấp bậc thạc sĩ tiến sĩ
Các cấp bậc thạc sĩ tiến sĩ
Thuê làm báo cáo thực tập tại Hà Nội
Thuê làm báo cáo thực tập tại Hà Nội