Hotline 24/7: 0946883350

Email: ttcd.group@gmail.com

logo

Lý luận về giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

5/5 (7 đánh giá) 1 bình luận

Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa vợ và chồng mà ít nhất một trong hai bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân theo pháp luật nước ngoài.

lý luận về giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Lý luận về giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Khái niệm về ly hôn, ly hôn có yếu tố nước ngoài

1.1. Khái niệm ly hôn

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, chế định ly hôn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Điều 42 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (BLDS 2005) quy định “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn [5]. Khoản 1 Điều 39 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình [6].

Tuy nhiên, khái niệm ly hôn chỉ được quy định rõ tại Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành năm 2014 thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án [32].

Xét về mặt xã hội, ly hôn chính là giải pháp giải quyết sự khủng hoảng trong mối quan hệ vợ chồng. Ly hôn là mặt trái của hôn nhân nhưng đồng thời nó cũng là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân tồn tại chỉ còn là hình thức vì tình cảm vợ chồng còn, hôn nhân không có tiếng nói chung. Trong quan hệ hôn nhân, việc kết hôn giữa nam và nữ được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, hợp pháp mà tình cảm và sự đồng cảm giữa hai bên là nguồn cội của sự tự nguyện. Khi tình cảm không vợ chồng không còn, kết hợp với nhiều yếu tố khác khiến cho quan hệ hôn nhân rạn nứt thì giải pháp hữu hiệu nhất và cũng là thông dụng nhất mà các cặp vợ chồng hướng tới là ly hôn. Như vậy, pháp luật không có quyền yêu cầu nam nữ phải kết hôn khi họ không tự nguyện và cũng không có quyền từ chối khi họ có nhu cầu ly hôn. Việc ly hôn nhằm giải phóng cho vợ, chồng khỏi cuộc sống chung đầy đau khổ hiện tại, giúp chồng thoát khỏi những mâu thuẫn sâu sắc mà không thể giải quyết được.

Về mặt pháp lý, quan hệ vợ chồng được phát sinh kể từ khi vợ, chồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và chỉ chấm dứt khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án công nhận về việc ly hôn. Trên thực tế, có nhiều cặp vợ chồng không còn tình cảm với nhau, không sống cùng nhau, độc lập về kinh tế cũng như các hoạt động cá nhân khác nhưng không có Quyết định hoặc bản án của Tòa án công nhận về việc ly hôn giữa hai vợ chồng thì về mặt pháp lý quan hệ giữa hai người vẫn là quan hệ vợ chồng, vẫn bị ràng buộc với nhau bởi các quy định của pháp luật liên quan đến quan hệ giữa vợ và chồng.

Trên cơ sở đó có thể hiểu một cách tổng quát nhất ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án được thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức Quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.

1.2. Khái niệm ly hôn có yếu tố nước ngoài

Luật Hôn nhân và Gia đình đã dành nhiều điều luật để quy định về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và Gia đình cũng như các văn bản pháp luật khác vẫn chưa có quy định rõ ràng, định nghĩa cụ thể thế nào là “Ly hôn có yếu tố nước ngoài”.

Tại Khoản 2 Điều 663 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

  Các bên tham gia đều là công dân ViêṭNam , pháp nhân Việt Nam nhưng viêc̣ xác lập, thay đổi, thực hiện hoăc̣ chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

 Các bên tham gia đều là công dân ViêṭNam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hê ̣dân sự đóở nước ngoài [6].

Quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng thuộc phạm trù quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên có thể áp dụng toàn bộ quy định của Bộ Luật Dân sự về vấn đề quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài để kết hợp với luật chuyên ngành để giải quyết quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, việc xây dựng được khái niệm ly hôn có yếu tố nước ngoài một cách đầy đủ, toàn diện và chuẩn mực trong đạo luật chuyên ngành là cần thiết.

Với tinh thần đó, Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rõ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.” [32]

Mặt khác, ly hôn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 được xem là một vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Điều 464 Bộ luật này có quy định rõ thế nào là một vụ việc dân sự. Theo đó, “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam những việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”. [8]

Với hai quy định nêu trên ta thấy, tại Điều 464 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 không quy định chủ thể trong vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là “người Việt Nam định cư nước ngoài” nhưng tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 lại quy định chủ thể này. Lý giải cho vấn đề này ta có thể hiểu, Điều 464 Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 là văn bản luật hình thức áp dụng chung có các quan hệ có yếu tố nước ngoài. Khi có sự kiện pháp lý xảy ra trên thực tế thì cần áp dụng luật chuyên ngành, trên sơ sở luật chung để giải quyết một vấn đề cụ thể. Mặt khác, chủ thể theo quy định tại Điều 464 BLTTDS 2015 đã bao hàm cả “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Như vậy, có thể thấy rằng, liên quan đến vấn đề “có yếu tố nước ngoài trong các quy định nêu trên của các văn bản pháp luật Việt Nam đã có sự thống nhất với nhau.

Theo đó, ta có thể hiểu “Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa vợ và chồng mà ít nhất một trong hai bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài; hoặc tài sản liên quan đến việc ly hôn ở nước ngoài”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: “ 1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này. 2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam. 3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.” [32].

Như vậy, khi giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thì Tòa án không những chỉ áp dụng pháp luật của Việt Nam mà còn phải chú ý tới pháp luật nước ngoài. Vấn đề lựa chọn pháp luật để áp dụng trong ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng là một điều khá trọng. Nếu lựa chọn không đúng thì bản án hoặc Quyết định có thể bị hủy. Đặc biệt là pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng hay là pháp luật nơi có bất động sản của vợ chồng.

Từ các cơ sở trên ta có thể thấy quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài có một trong các yếu tố sau:

– Yếu tố chủ thể:

Quan hệ ly hôn được coi là có yếu tố nước ngoài khi có ít nhất một trong các bên chủ thể tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Pháp luật Việt Nam quy định người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.

– Yếu tố làm chấm dứt quan hệ hôn nhân:

Bao gồm căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đó chính là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Điều kiện để xác định việc ly hôn có yếu tố nước ngoài hay không trong trường hợp này là sự kiện pháp lý đó phải theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài.

Đối với những quan hệ này, yếu tố chủ thể không được đặt ra. Nghĩa là, trong trường hợp các bên chủ thể tham gia đều là công dân Việt Nam, nhưng nếu sự kiện pháp lý là chấm dứt quan hệ hôn nhân xảy ra ở nước ngoài hoặc theo pháp luật nước ngoài thì quan hệ đó là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.

– Yếu tố vị trí của tài sản liên quan đến quan hệ ly hôn:

Trong trường hợp này, không cần xét đến hai yếu tố trên, nếu tài sản liên quan đến quan hệ ly hôn không nằm trên lãnh thổ Việt Nam mà ở nước ngoài, thì quan hệ đó cũng được coi là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó, một quan hệ ly hôn khi không xét đến cả ba yếu tố trên nhưng nếu quan hệ ly hôn chấm dứt bằng một bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thì đó cũng là một trong những dấu hiệu xác định quan hệ ly hôn đó là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, để xác định một quan lệ ly hôn có yếu tố nước ngoài cần xét đến một trong các yếu tố trên, nếu đáp ứng điều kiện đối với ít nhất một yếu tố để quan hệ ly hôn đó trở thành quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài thì không cần xét đến các yếu tố còn lại.

2. Hậu quả pháp lý của ly hôn, ly hôn có yếu tố nước ngoài

Nếu kết hôn là cơ sở pháp lý để hình thành các quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng thì ly hôn chính là cơ sở pháp lý để làm thay đổi hay chấm dứt các quan hệ đó. Luật Hôn nhân và Gia đình không có những điều khoản cụ thể, riêng biệt quy định về quan hệ nhân thân, tài sản đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài phải áp dụng các quy định pháp luật chung về điều kiện, căn cứ ly hôn.

2.1. Quan hệ nhân thân

Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng là những quyền liên quan đến lợi ích tinh thần gắn liền với nhân thân của vợ chồng trong quan hệ vợ chồng, không có nội dung kinh tế, không định giá được bằng tiền và không thể chuyển giao cho người khác.Quyền nhân thân giữa vợ và chồng có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, quyền nhân thân giữa vợ và chồng phát sinh trên sở kết hôn, gắn liền với quan hệ vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Các quyền và nghĩa vụ này chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tức là, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được bắt đầu bằng việc đăng ký kết hôn. Theo đó, vợ và chồng sẽ có thêm các quyền về hôn nhân gia đình theo quy định của pháp luật. Còn sau khi quyết định, bản án của Tòa án giải quyết ly hôn có hiệu lực hoặc khi một trong hai bên bị tuyên bố là đã chết thì quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng chấm dứt.

Thứ hai, quyền nhân thân là quyền gắn liền với cá nhân và không thể đối tượng chuyển dịch cho người khác, quyền này có tính độc lập, cá biệt hoá cá nhân này với cá nhân khác, không thể trộn lẫn. Vì vậy, quyền nhân thân của vợ chồng không thể chuyển giao cho người khác, không thể do người khác thực hiện thay mà chỉ phụ thuộc giữa vợ chồng.

Thứ ba, các quyền nhân thân giữa vợ và chồng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền nhân thân của cá nhân được quy định cụ thể tại BLDS và được cụ thể hóa tại Luật HNGĐ với chủ thể cụ thể là vợ chồng. Quyền nhân thân của vợ chồng được pháp luật quy định trong các quy phạm pháp luật nên có thể thấy quyền này đã được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện.

Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng thể hiện mỗi liên hệ tình cảm giữa vợ và chồng. Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng:”1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. “Nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc nhau được điều chỉnh bằng các nguyên tắc đạo đức, truyền thống và theo phong tục, tập quán của người Việt Nam rồi sau đó được nâng dần lên thành luật. Vi phạm những quy tắc đạo đức chỉ bị xã hội lên án, vi phạm các quy tắc pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định. Về nghĩa vụ chung sống, có thể hiểu rằng hôn nhân trước hết là cuộc sống chung giữa người đàn ông và người phụ nữ: chung nhà, chung bàn ăn và chung chăn gối. Tất nhiên, vợ và chồng không nhất thiết phải ở chung, ăn chung, ngủ chung một cách liên tục, thường xuyên trong suốt thời kỳ hôn nhân; song, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và thân xác. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận một cách rõ ràng nghĩa vụ chung sống; tuy nhiên, không thể nói rằng mục đích của hôn nhân đã đạt được một khi hai bên kết hôn không thực sự chung sống với nhau. Việc không chung sống liên tục trong một thời gian dài có thể dẫn đến những khó khăn trong việc duy trì cơ sở đạo lý và cơ sở thực tế của quy tắc suy đoán con chung của vợ chồng.

Thứ năm, các quyền và nghĩa vụ nhân thân thể hiện tính dân chủ, bình đẳng giữa vợ, chồng: Vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn chỗ ở, nơi cư trú theo Điều 20 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.”Vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn tín ngưỡng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Ngoài ra, vợ chồng còn có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn việc làm, tham gia vào công tác xã hội theo quy định tại Điều 23 Luật hôn nhân và gia đình: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. “Vậy quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình chủ yếu là các quan hệ nhân thân mang tính chất lâu dài, bền vững được nhà nước quy định cụ thể, chặt chẽ và phù hợp trong Luật hôn nhân và gia đình 2014.

2.1.1. Quan hệ giữa vợ và chồng sau ly hôn:

Cũng như các trường hợp ly hôn không có yếu tố nước ngoài, việc ly hôn sẽ được coi là căn cứ làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Việc chấm dứt này có thể xuất phát từ yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc do cả hai bên yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và phải được toà án công nhận bằng bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của các đương sự. Sau khi bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực thì quan hệ vợ chồng sẽ chính thức chấm dứt.

2.1.2. Quan hệ giữa cha, mẹ và con cái sau ly hôn:

Ly hôn làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng không làm chấm dứt quan hệ giữa cha, mẹ và con chung. Việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái là quyền lợi đồng thời là nghĩa vụ của cha mẹ trước và sau khi ly hôn. Tuy nhiên, sau khi ly hôn sẽ làm phát sinh một vài vấn đề trong quan hệ giữa cha mẹ và con chung. Ví dụ như sau khi ly hôn, đương nhiên con cái không thể chung sống được với cả cha lẫn mẹ. Do vậy, việc giao con chưa thành niên cho một trong hai người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục là điều cần thiết. Khi quyết định giao con chưa thành niên cho ai (trong hai vợ chồng) nuôi dưỡng Toà án phải xem xét đến hoàn cảnh thực tế của mỗi bên, nhằm đảm bảo lợi ích về mọi mặt cho đứa trẻ. Bên cạnh vấn đề giao con cho ai nuôi thì việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, thay đổi nuôi con sau ly hôn… cũng là những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ cha mẹ, con cái sau khi ly hôn nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.

2.2. Quan hệ tài sản

Cũng giống như quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng cũng sẽ chấm dứt kể từ sau khi bản án hay quyết định của Toà án về việc ly hôn có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, việc chia tài sản sau ly hôn là vấn đề hết sức phức tạp, từ việc chia tài sản chung của vợ chồng đến việc xác định tài sản riêng của các bên trong thời kỳ hôn nhân…Đặc biệt, việc giải quyết quan hệ tài sản trong ly hôn có yếu tố nước ngoài còn gặp khó khăn hơn nữa bởi việc xác định khối tài sản khi tài sản đó ở nước ngoài, việc lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp tài sản là bất động sản ở nước ngoài. Do đó, khi giải quyết vấn đề tài sản trong ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam phải kết hợp việc vận dụng các văn bản pháp luật trong nước, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, đôi khi cả pháp luật nước ngoài.

Đối với trường hợp ly hôn có liên quan đến tài sản là bất động sản ở nước ngoài thì việc giải quyết vấn đề tài sản tuân theo pháp luật nơi có tài sản. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không có những điều khoản cụ thể và riêng biệt về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, thông thường khi giải quyết vấn đề này, Thẩm phán sẽ áp dụng pháp luật chung về điều kiện, căn cứ ly hôn. Ví dụ thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án Việt Nam sẽ áp dụng Luật HNGĐ Việt Nam, BLDS Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan để giải quyết các vấn đề hậu quả pháp lý của việc ly hôn nói chung, bao gồm quan nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng

3. Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài

3.1. Các loại nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài

Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm hai loại là nguồn pháp luật quốc gia và nguồn pháp luật quốc tế. Trong đó, nguồn pháp luật quốc gia giữ vai trò chủ yếu.

3.1.1. Nguồn pháp luật quốc gia

Nguồn pháp luật quốc gia bao gồm tất cả các quy định của pháp luật quốc gia liên quan đến vấn đề điều chỉnh pháp lý quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng. Nguồn pháp luật quốc gia ở mỗi nước có thể là nguồn thành văn nếu thuộc hệ thống Civil Law cũng có thể là nguồn không thành văn nếu thuộc hệ thống Common Law hoặc có thể gồm cả nguồn thành văn và không thành văn.

Các quy định nói trên ở Việt Nam được quy định chủ yếu trong các văn bản pháp luật sau đây:

 Hiến pháp. Quyền của công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng bao gồm cả lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài là một trong những quyền cơ bản được Hiến pháp khẳng định. Đó là nhân quyền – quyền tối cao của công dân được Nhà nước và pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Do vậy,trong các bản Hiến pháp của Việt Nam: Hiến pháp năm 1946; Hiến pháp năm 1960; Hiến pháp năm 1980; Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là bản Hiến pháp năm 2013 đều quy định rất rõ quyền này.

Đây là những quy định có tính nguyên tắc và trên tinh thần của các quy định này, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã ban hành các bộ Luật, đạo luật và một hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật nhằm điều chỉnh lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng, bao gồm cả lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài,

  Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 1995, Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005, Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều có những quy định liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình nói chung và vấn đề ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.

  Luật Hôn nhân và Gia đình. Đây là đạo luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chúng đã từng có các đạo luật hôn nhân và gia đình sau đây: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đi kèm theo từng đạo luật là hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể.

3.1.2. Nguồn pháp luật quốc tế điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài

 1- Điều ước quốc tế

Về mặt lý luận, nguồn quốc tế điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng là các Điều ước quốc tế toàn cầu, Điều ước quốc tế khu vực và Điều ước quốc tế song phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay mới chỉ có các Điều ước quốc tế khu vực và song phương giữa các quốc gia có quy định về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Song các Điều ước quốc tế loại này không điều chỉnh cụ thể mà chỉ quy định nguyên tắc chọn pháp luật để áp dụng khi giải quyết vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Ví dụ như Công ước La Haye về tư pháp quốc tế năm 1902, công ước Bustamante năm 1928 và nhiều Điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp.

2- Tập quán quốc tế

Về mặt lý luận, tập quán quốc tế cũng là nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên cho đến nay chưa có công trình nào hệ thống hóa hay tổng hợp được các tập quán quốc tế cụ thể đã và đang được áp dụng khi giải quyết vấn đề này trên thực tế. Nó chủ yếu được vận dụng với tính chất tập quán quốc gia trong khuôn khổ loại nguồn quốc gia và do từng quốc gia tự xác định.

3.2. Mối quan hệ giữa các loại nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài

Như đã trình bày ở Mục 1.3.1, nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm hai loại là nguồn pháp luật quốc gia và nguồn pháp luật quốc tế. Trong đó, nguồn pháp luật quốc gia giữ vai trò chủ yếu. Hai loại nguồn này tác động qua lại và bổ sung cho nhau trong việc điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Theo thông lệ và nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia với các Điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên trong lĩnh vực dân sự nói chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, nếu cùng một vấn đề mà quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên khác với quy định của pháp luật quốc gia thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó.

Trên thực tế hiện nay, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, không có các quy phạm thực chất thống nhất mà mới chỉ có các quy phạm xung đột thống nhất. Vì vậy, khi giải quyết vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài nếu quy định của Điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên khác với quy định của pháp luật quốc gia thì ưu tiên áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó

4. Nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài

4.1. Nguyên tắc điều chỉnh

Trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, ngoài việc phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia, pháp luật hôn nhân và gia đình quốc gia được áp dụng theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột chúng ta còn phải tuân theo một số nguyên tắc đặc thù. Cụ thể bao gồm các nguyên tắc sau đây:

   Tôn trọng và bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng phù hợp với pháp luật quốc gia theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột và điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên.

  Dành cho người nước ngoài chế độ đãi ngộ quốc dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.

  Không áp dụng pháp luật nước ngoài theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột, nếu xét thấy hậu quả áp dụng pháp luật nước ngoài trái với trật tự công cộng hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia của mình.

Các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng nêu trên hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế và công pháp quốc tế hiện đại và sẽ là cơ sở để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cá nhân trong giao lưu dân sự quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia.

4.2. Phương pháp điều chỉnh

Về mặt lý luận cũng như trên thực tế, hiện nay có hai phương pháp điều chỉnh quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Đó là phương pháp thực chất (áp dụng quy phạm thực chất thống nhất) và phương pháp xung đột (phương pháp áp dụng quy phạm xung đột).

Như đã trình bày ở Mục 1.3.2, hiện nay, trên thế giới chưa có quy phạm thực chất thống nhất điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng nên trong lĩnh vực này hiện chỉ có phương pháp áp dụng quy phạm xung đột. Và như vậy, các vấn đề cụ thể về ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết theo pháp luật quốc gia được quy phạm xung đột chỉ dẫn áp dụng.

Các quy phạm xung đột hướng dẫn chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm quy phạm xung đột do quốc gia tự xây dựng và quy phạm xung đột thống nhất do các quốc gia thỏa thuận xây dựng bằng cách ký kết các Điều ước quốc tế để cùng áp dụng. Tuy nhiên, quy phạm xung đột do quốc gia tự xây dựng là chủ yếu. Hiện nay, các nước trên thế giới áp dụng các quy phạm xung đột chủ yếu sau đây để hướng dẫn chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài:

    Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo quốc tịch của đương sự. Đây là quy phạm chủ yếu và được áp dụng rộng rãi trên thế giới để giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng được quy định trong pháp luật dân sự của nhiều nước trên thế giới và cả trong Công ước La Haye về tư pháp quốc tế năm 1902, công ước Bustamante năm 1928 và nhiều điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp.

    Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo nơi cư trú của đương sự. Quy phạm này được áp dụng trong những trường hợp không áp dụng luật theo quốc tịch của đương sự mà pháp luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế quy định. Ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và một số nước Nam Mỹ quy phạm này còn là quy phạm chủ yếu được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.

  Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo nơi có tài sản của vợ chồng. Quy phạm này được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực sở hữu, thừa kế bất động sản v.v…có yếu tố nước ngoài nhưng trong một số trường hợp cũng được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.

  Quy phạm xung đột quy định áp dụng luật theo nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Quy phạm này được quy định trong pháp luật quốc gia của các nước và trong cả các Điều ước quốc tế, đặc biệt Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng trong một số trường hợp cũng được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.

Việc áp dụng quy phạm xung đột nào cụ thể do từng quốc gia tự quy định trong pháp luật quốc gia hoặc thỏa thuận với nhau để quy định trong Điều ước quốc tế. Ví dụ, theo Điều 17 Bộ Luật Dân sự Đức, việc ly hôn được giải quyết theo luật của nước người chồng mang quốc tịch khi xin ly hôn, và cho phép dẫn chiếu ngược trở lại hoặc dẫn chiếu đến luật của nước thứ ba. Đồng thời còn quy định chỉ cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết việc ly hôn khi nội dung của nó phù hợp với điều kiện ly hôn mà pháp luật của Đức quy định.

Theo quy định của các nước Đông Âu, vấn đề ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước mà vợ chồng mang quốc tịch lúc xin ly hôn (Điều 21 Luật Tư pháp quốc tế của cộng hòa Séc, Điều 17 Luật Tư pháp quốc tế của cộng hòa Balan, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình của Bungary…). Trường hợp vợ chồng có quốc tịch khác nhau lúc xin ly hôn thì áp dụng luật nơi chung sống của vợ chồng (theo pháp luật Balan) hoặc luật của nước có tòa án giải quyết việc ly hôn (theo pháp luật của cộng hòa Séc)v.v…

Việc áp dụng luật nơi cư trú của vợ chồng cũng được nhiều nước quy định. Ví dụ, theo pháp luật của Pháp, việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật nơi cư trú chung của hai vợ chồng; trường hợp vợ chồng không có nơi thường trú chung thì áp dụng pháp luật của nước mà vợ chồng mang quốc tịch. Tòa án Pháp cũng vẫn công nhận một số trường hợp việc ly hôn được giải quyết trên cơ sở pháp luật nước ngoài mặc dù điều kiện ly hôn không được pháp luật của pháp quy định.

Việc áp dụng luật của nước mà tòa án giải quyết việc ly hôn là thực tiễn phổ biến ở các nước như Anh, Hoa Kỳ, Singapore, Thụy Sỹ và Trung Quốc….

Như vậy, việc xác định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết vấn đề ly hôn cũng đồng thời là xác định luật áp dụng cho bản thân việc ly hôn. Ở các nước này, thẩm quyền của tòa án thường được xác định theo nơi cư trú của đương sự (theo quy định của nước Anh, là nơi cư trú của người chồng), mặc dù, về nội dung, khái niệm nơi cư trú ở các nước không hoàn toàn giống nhau

5. Danh mục tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Hoàng Thùy Dương Ngọc Anh (Luận văn Thạc sĩ) (2007), Một số vấn đề pháp lý về ly hôn có yếu tố nước ngoài.

   2. Nguyễn Hoàng Thùy Dương Ngọc Anh (Luận văn Thạc sĩ) (2007), Một số vấn đề pháp lý về ly hôn có yếu tố nước ngoài.

3.  Nông Quốc Bình (2002), “Các nguyên tắc pháp lý cơ bản điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí luật  học,

4. Nông Quốc Bình (Luận án tiến sĩ luật học) (2003), Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam.

  1.  Bộ luật Dân sự 1995.
  2.  Bộ luật Dân sự 2005.
  3.  Bộ luật Dân sự 2015.
  4.  Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004.
  5.  Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  6.  Công ước Lahaye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con quốc tế.
  7. Các  Hiệp định  hợp tác nuôi  con nuôi giữa Việt  Nam với Pháp

(01/02/2000); Đan Mạch (26/5/2003); Italia (13/06/2003); Ailen (23/09/2003); Thụy Điển (04/02/2004); 3 cộng đồng ngôn ngữ thuộc vương quốc Bỉ (17/3/2005); Canada (27/06/2005); bang Quessbec – Canada (15/9/2005); Thụy Sĩ (20/12/2005) và Tây Ban Nhà (05/12/2007).

  1.  Các Mác – Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia.
  2.  Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (2008), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
  3.  Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946).
  4. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1959).
  5.  Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (1980).
  6.  Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (1992).
  7.  Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam (2013).
  8.   Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình,

lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa dân chủ Đức (1980), Hà Nội.

  1.   Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết(1981), Hà Nội.
  2.   Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc(1982), Hà Nội.
  3.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Bugari.
  4.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga.
  5.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Hungari.
  6.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
  7.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Ba Lan.
  8.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Ucraina.
  9.  Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Mông Cổ.
  10.   Lưu Thị Hương (Khóa luận tốt nghiệp) (2011), Quan hệ hôn nhân có

yếu tố nước ngoài trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài.

  1.  Luật Hôn nhân và Gia đình 1959.
  2.  Luật Hôn nhân và gia đình 1980.
  3.  Luật Hôn nhân và gia đình 2000.
  4.  Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
  5.   Nguyễn Hồng Nam (2009), “Vài ý kiến về thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí Tòa án, số 13/2009.
  6.   Nghị quyết số 02/2000/NQ – HĐTP ngày 23/12/2000 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
  7.   Nghị quyết số 01/2003/ NQ – HĐTP ngày 16/4/2003 về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.
  8.  Nghị quyết số 01/2005/NQ – HĐTP ngày 31/3/2005.
  9.   Nghị quyết số 02/2006/NQ – HĐTP ngày 12/5/2006 về việc hướng thi

hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng Dân sự.

  1.   Nghị quyết số 03/2012/NQ – HĐTP ngày 03/12/2012 về việc hướng thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ

luật tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

  1.   Nghị quyết số 04/2012/NQ – HĐTP ngày 03/12/2012 về việc hướng thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
  2.   Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTP ngày 03/12/2012 về việc hướng thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết tại Tòa án cấp

sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự.

  1.  Lê Thị Thanh, Trương Hồng Quang (2011), “Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí luật học, số 9/2011, Tr. 50 59.13.
  2.   Bành Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Tiến, (2012), “Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam – nhìn từ góc độ thực tiễn”, Tạp chí khoa học pháp lý, số 5/2012, Tr. 34 41.14.
  3.   Bành Quốc Tuấn (2015), “Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 21/2013, Tr. 28 – 34.
  4.   Bành Quốc Tuấn (2015), “Những điểm tiến bộ của luật Hôn nhân và gia đình 2014 về luật áp dụng điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài”, số 2/2015, Tr. 57 63.

Các tìm kiếm liên quan: ly hôn có yếu tố nước ngoài, ly hôn có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế việt nam, tiểu luận kết hôn có yếu tố nước ngoài, luận văn kết hôn có yếu tố nước ngoài, giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài, ly hôn với người nước ngoài, hôn nhân có yếu tố nước ngoài,giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài, bài tiểu luận luật hôn nhân và gia đình, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, …

Bình luận

1 bình luận

Sắp xếp: Mới nhất

N
Thảo Nhi

Em đang làm luận văn về đề tài ” Lý luận về giải quyết hôn nhân với người nước ngoài” . Cho e xin ít tài liệu hoặc luận văn mẫu để tham khảo với ạ

reply Trả lời
N
Thảo Nhi

Em đang làm luận văn về đề tài ” Lý luận về giải quyết hôn nhân với người nước ngoài” . Cho e xin ít tài liệu hoặc luận văn mẫu để tham khảo với ạ

reply Trả lời
Đăng ký nhận tư vấn
Số điện thoại là bắt buộc ! Số điện thoại không hợp lệ !
Tin tức mới nhất
Cách làm tiểu luận tư duy phản biện
Cách làm tiểu luận tư duy phản biện
Cách làm tiểu luận không bị đạo văn
Cách làm tiểu luận không bị đạo văn
Cách viết tiểu luận Kinh tế Chính trị
Cách viết tiểu luận Kinh tế Chính trị
Cách làm tiểu luận pháp luật đại cương
Cách làm tiểu luận pháp luật đại cương
Cách viết bài học kinh nghiệm trong tiểu luận
Cách viết bài học kinh nghiệm trong tiểu luận